Với đường lối độc lập, tự chủ, đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ quốc tế, Việt Nam đã xây dựng hình ảnh tích cực và uy tín trong mắt cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu quan trọng, hoạt động đối ngoại của Việt Nam cũng đối mặt với những thách thức, đặc biệt là âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động.
Những âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá
Trong những năm qua, đường lối đối ngoại của Việt Nam tiếp tục
được đẩy mạnh, tạo ra những bước tiến quan trọng, từ việc tăng cường hợp tác với
các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Australia, Pháp… đến việc tích cực hoạt động
trong các tổ chức quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, ASEAN...
Đặc biệt thời gian qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đã có các
chuyến thăm đến một số quốc gia và theo chiều ngược lại, một số nguyên thủ quốc
gia, chính khách quốc tế có chuyến thăm Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác
giữa nước ta với nước bạn ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất. Thế nhưng, bất
chấp thực tế đó, các thế lực thù địch, phản động lại hướng lái, đánh tráo bản
chất các chuyến thăm, hướng lái theo chiều hướng tiêu cực.
Có thể thấy, những luận điệu sai trái, xuyên tạc được biến tấu,
lặp đi lặp lại nhiều lần để xuyên tạc như: đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt
Nam hiện nay là “đu dây” hoặc “tự sát”; các hoạt động ngoại giao “không có ý
nghĩa gì”, có lợi chỉ cho cá nhân, không mang lại lợi ích gì cho đất nước; cho
rằng Việt Nam đang bị các cường quốc “chi phối và lệ thuộc”...
Ảnh minh họa |
Với cái nhìn phiến diện, cực đoan, thiếu thiện chí, một số tổ
chức và cá nhân chống đối vẫn tiếp tục phát tán những thông tin sai lệch, bôi
nhọ về đường lối đối ngoại của Việt Nam. Họ kêu gọi Liên hợp quốc và các quốc
gia sử dụng các công cụ ngoại giao để gây sức ép lên Việt Nam theo ý muốn của họ.
Mặt khác, các tổ chức, đối tượng tự xưng đại diện cho cái gọi là “dân chủ”,
“nhân quyền” luôn tìm cách khoét sâu những điểm còn khác biệt về quan điểm nhân
quyền giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và một số quốc gia trong Liên minh châu Âu nhằm
hướng các nước có cái nhìn tiêu cực, méo mó về Việt Nam.
Để thực hiện âm mưu của mình, các thế lực thù địch sử dụng
nhiều thủ đoạn tinh vi. Có thể thấy, ngay khi biết được thông tin, lịch trình dự
kiến về các chuyến thăm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta tới nước bạn, một số tổ
chức, đối tượng phản động lưu vong ở nước ngoại, những kẻ đội lốt “dân chủ”,
“nhân quyền” đã sử dụng mạng xã hội lan truyền thông tin sai trái, thông tin thật
- giả lẫn lộn. Họ còn sử dụng hệ thống truyền thông, báo chí và các diễn đàn trực
tuyến để phát tán những thông tin sai lệch về đường lối đối ngoại, hoạt động
ngoại giao của nước ta, từ cáo buộc Việt Nam vi phạm nhân quyền đến việc xuyên
tạc mối quan hệ Việt Nam với các quốc gia khác.
Không những vậy, các đối tượng thù địch, phản động cắt ghép
hình ảnh, video và các phát ngôn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sau đó thêm thắt
bình luận để làm méo mó, sai lệch nội dung và bản chất vấn đề. Những đối tượng
cực đoan còn kêu gọi đồng bào ta ở nước ngoài tụ tập, biểu tình với các trò lố
như giăng biểu ngữ, hô hoán phản đối hay gửi thư lên chính phủ, cơ quan ngoại
giao ở nước sở tại để đả phá chuyến thăm; sử dụng chiêu bài “quốc tế hóa các vụ
án hình sự” để đòi thả tự do, công lý một cách trắng trợn, lố bịch cho các đối
tượng đang chấp hành án hình sự trong nước; vu cáo Việt Nam đàn áp dân chủ,
nhân quyền; phê phán, đòi lật đổ chế độ XHCN ở nước ta…
Những âm mưu, thủ đoạn chống phá đường lối đối ngoại và hoạt
động ngoại giao của Việt Nam tuy không mới nhưng việc lặp đi lặp lại sẽ tạo ra
những hệ lụy xấu, không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của đất nước trên
trường quốc tế mà còn có thể xâm hại đến an ninh quốc gia, công tác chính trị nội
bộ. Các thế lực xấu không ngừng bôi nhọ, mỉa mai nhằm làm giảm niềm tin từ cộng
đồng quốc tế đối với Việt Nam, từ đó có thể dẫn đến khó khăn của Việt Nam trong
việc thu hút đầu tư, hợp tác song phương, đa phương và tham gia vào các tổ chức
toàn cầu.
Hoạt động ngoại giao khẳng định bản sắc, vai
trò của Việt Nam
Trước hết cần khẳng định, Việt Nam luôn thực hiện nhất quán
đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển;
đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia
- dân tộc trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc
và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi; kết hợp sức mạnh dân tộc
với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm
trong cộng đồng quốc tế. Điều này thể hiện rõ trong các nghị quyết, văn kiện đại
hội Đảng và thực tiễn sinh động của đất nước.
Trong xu thế hội nhập quốc tế và quá trình toàn cầu hoá phát
triển mạnh mẽ thì hoạt động đối ngoại càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Trong gần 40 năm đổi mới, đường lối độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa
của Đảng và Nhà nước ta đã tăng cường thế và lực mới cho đất nước, góp phần
quan trọng tạo môi trường hòa bình, ổn định, điều kiện thuận lợi và tranh thủ
được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội,
tăng cường quốc phòng - an ninh, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường
quốc tế. Vì vậy, việc nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại của Việt Nam đều
nhằm mục đích giữ vững độc lập, tự chủ, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả
hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc
lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn
định để phát triển đất nước. Hoạt động đối ngoại quán triệt quan điểm “lấy dân
làm gốc”, lấy con người là mục tiêu, động lực của sự phát triển, vì cuộc sống ấm
no, hạnh phúc của nhân dân, hoàn toàn phù hợp với xu thế thời đại là hòa bình,
độc lập, phát triển và hội nhập quốc tế.
Chính đường lối đối ngoại mang bản sắc “cây tre Việt Nam” đã
góp phần quan trọng trong việc đưa nước ta từ tình thế bị bao vây, cấm vận đến
việc thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, có quan hệ Đối tác chiến lược
và Đối tác toàn diện với 31 nước, bao gồm tất cả các cường quốc và 5 Ủy viên
thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam cũng là thành viên tích cực
của ASEAN và hơn 70 tổ chức khu vực và quốc tế, có mối quan hệ với khoảng 230
thị trường trên toàn cầu.
Đặc biệt, hoạt động ngoại giao Nhà nước gần đây diễn ra sôi
nổi, thành công, thu hút được sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế.
Trong đó từ ngày 21 đến 27/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tham dự Hội
nghị Thượng đỉnh Tương lai và Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79, đồng thời gặp
gỡ, thảo luận với nhiều nhân vật, chính khách quốc tế, tổ chức và doanh nghiệp
tại Mỹ; thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Cuba. Trong hai chuyến
công tác này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn Việt Nam đã tham gia
gần 130 hoạt động song phương và đa phương, đạt được tất cả các mục tiêu đã đề
ra. Tiếp đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt
Nam có chuyến thăm cấp Nhà nước đến Mông Cổ, Ireland, tham dự Hội nghị cấp cao
Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp. Trong đó, Việt Nam thiết
lập mối quan hệ Đối tác toàn diện với Mông Cổ, nâng cấp mối quan hệ với Pháp
lên Đối tác chiến lược toàn diện. Pháp trở thành Đối tác chiến lược toàn diện
thứ 8 của Việt Nam.
Những tín hiệu tích cực từ các chuyến thăm, làm việc của
lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đã mở ra thời cơ, vận hội mới, góp phần nhận được sự
ủng hộ và tín nhiệm cao từ cộng đồng quốc tế. Đồng thời, tạo cơ sở vững chắc để
Việt Nam khẳng định vai trò và bản sắc riêng, bằng những cam kết cụ thể, những
sáng kiến thiết thực. Các hoạt động ngoại giao vừa qua đã truyền tải thông điệp
rõ ràng và mạnh mẽ về đường lối đối ngoại của Đảng, thể hiện khát vọng vươn
mình của Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Hoạt động ngoại giao cũng thúc đẩy kinh tế phát triển, thu
hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, là
cơ hội cho Việt Nam tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, giúp cho bạn bè
quốc tế hiểu rõ về một đất nước yêu chuộng hòa bình, đang ngày càng phát triển
phồn vinh, hạnh phúc, từ đó bạn bè quốc tế xem Việt Nam là điểm đến hấp dẫn. Chẳng
hạn năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,6 triệu lượt, gấp gần 3,5 lần
so với năm 2022, mức độ phục hồi đã đạt 70% so với năm 2019, cao hơn mức phục hồi
chung của châu Á (65%). Đây là một trong vô số minh chứng cho tính đúng đắn của
đường lối đối ngoại và hiệu quả hoạt động ngoại giao khác xa với những gì các
thế lực thù địch, phản động cố tình rêu rao, tuyên truyền sai lệch.
Để tăng cường nhận thức của nhân dân, kiều bào ta ở nước
ngoài về đường lối đối ngoại cũng như hoạt động ngoại giao, cần nâng cao hiệu
quả công tác thông tin đối ngoại, xác định đây là một kênh quan trọng trong hoạt
động đối ngoại. Thông tin đối ngoại phải nhanh nhạy, chính xác, kịp thời, có
tính định hướng cao, phù hợp với từng đối tượng tiếp nhận. Tích cực thông tin đến
bạn bè quốc tế các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về chiến lược
phát triển con người Việt Nam; khẳng định rõ quan điểm, lập trường của Việt Nam
đối với những vấn đề khu vực và quốc tế quan tâm; lan tỏa, quảng bá hình ảnh đất
nước, con người, văn hóa dân tộc, những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước.
Đồng thời, kịp thời tổ chức những tuyến bài, phóng sự có chất lượng, lập luận
chặt chẽ, luận cứ cụ thể, rõ ràng để đấu tranh phản bác với những luận điệu sai
trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch về đường lối đối ngoại, hoạt động ngoại
giao của đất nước.
Chu Thắng - Trinh Thúy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét