[QĐND] Thời gian qua, trên không gian mạng xuất hiện quan điểm xuyên tạc, chống phá cho rằng: Việt Nam không có thực lực khi thực hiện chi trả lương mới cho người lao động; nguồn tiền chủ yếu đi vay của nước ngoài, bởi nền kinh tế đang suy thoái nghiêm trọng...
Cả về lý luận và thực tiễn đều minh chứng việc cải cách tiền
lương, lộ trình tăng lương mà Việt Nam đang triển khai là chủ trương hết sức
đúng đắn và nhân văn của Đảng, Nhà nước ta; đồng thời, được triển khai theo
đúng lộ trình và dựa trên thực lực của chính mình...
Chủ động tăng lương
theo lộ trình
Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21-5-2018, Hội nghị lần thứ bảy
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với
cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh
nghiệp đã xác định lộ trình triển khai cải cách tiền lương cụ thể từ năm 2021 đến
năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; nhấn mạnh yêu cầu cải cách chính sách tiền
lương, xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia một cách khoa học, minh
bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước...
Sau thời gian chuẩn bị và bị trì hoãn cải cách tiền lương do
dịch Covid-19, tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã quyết nghị, thực
hiện đầy đủ hai nội dung cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp theo đúng Nghị
quyết 27.
Mức điều chỉnh tăng này đã được các cơ quan quản lý tính
toán kỹ lưỡng trong bối cảnh chưa có đủ điều kiện bỏ mức lương cơ sở và hệ số
lương hiện nay (chưa thực hiện các bảng lương và phụ cấp mới), tạo được sự thống
nhất đồng thuận, hiệu ứng tâm lý tích cực và tác động kinh tế lan tỏa rất lớn
trong xã hội do bảo đảm công bằng, hợp lý, hài hòa, có sự chia sẻ giữa người
đang hưởng lương hưu và người đang đóng bảo hiểm xã hội, giữa khu vực nhà nước
và khu vực ngoài nhà nước, giữa các thế hệ tham gia và thụ hưởng chính sách; đồng
thời bảo đảm khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và Quỹ Bảo hiểm xã hội
trong dài hạn; tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần ổn
định xã hội.
Ảnh minh họa/ tuyengiao.vn |
Bám sát sức khỏe nền
kinh tế, hỗ trợ tổng cầu, tạo động lực phát triển
Nhìn chung, các mức tăng lương ở Việt Nam thời gian qua thấp
hơn mức tăng năng suất lao động, quy mô và thu nhập bình quân đầu người của nền
kinh tế, cũng như thấp hơn nhu cầu chi tiêu bảo đảm đời sống ngày càng tăng
nhanh của người lao động.
Năng suất lao động của người Việt trong giai đoạn 2010-2020
tăng trưởng 64% theo giá hiện hành, cao hơn so với nhiều nước trong khu vực, chủ
yếu nhờ sự cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn.
Từ năm 2007 đến giữa 2023, quy mô tổng sản phẩm trong nước
(GDP) và thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng khoảng 7,7 lần; trong
khi tiền lương cơ sở chỉ tăng khoảng 4 lần, từ mức 540.000 đồng/tháng kể từ
ngày 1-1-2008 lên 2,34 triệu đồng/tháng từ ngày 1-7-2024.
Trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, Việt Nam đã trì hoãn
một đợt tăng lương theo lộ trình và cũng mới triển khai gói hỗ trợ tài chính với
quy mô khiêm tốn ước khoảng 0,5% GDP so với gói kích thích tài chính khổng lồ tới
khoảng 20% GDP như của Mỹ và một số nước khác cùng thời gian này. Bởi vậy, đợt
tăng lương tháng 7-2024 là sự tiếp nối lộ trình tăng lương theo kế hoạch nêu
trên và sự tiếp tục các giải pháp hỗ trợ tăng cả tổng cung và tổng cầu của
chính sách phục hồi kinh tế hậu Covid-19.
Trên thực tế, việc tăng lương lần này không chỉ góp phần cải
thiện mức sống của người hưởng lương, bảo đảm nguyên tắc tiền lương phải đáp ứng
nhu cầu sống tối thiểu của người lao động nhận lương và gia đình họ theo nguyên
lý kinh tế thị trường; mà còn cho phép tăng tổng cầu có khả năng thanh toán của
xã hội; từ đó, góp phần kích thích sản xuất và củng cố động lực tăng trưởng
kinh tế trong bối cảnh tổng cầu xã hội còn thấp và thị trường thế giới chưa có
sự đột phá mạnh mẽ gắn với chu kỳ kinh tế đang chậm lại của nền kinh tế thế giới....
Mặt khác, cơ sở vật chất-tài chính cho tăng lương đã được chuẩn
bị khá chu đáo. Theo đó, Chính phủ đã tích lũy cân đối được 913.000 tỷ đồng
ngân sách nhà nước làm nguồn chi trả đáp ứng tổng nhu cầu kinh phí điều chỉnh
lương cơ sở tăng 30%, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp lũy kế 3 năm 2024-2026
tăng thêm là hơn 900 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, nền tảng tăng lương của Việt Nam ngày càng được củng
cố. Suốt thời gian từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19 đến nay, nền kinh tế vĩ mô
luôn ổn định; lạm phát được kiểm soát dưới 4%, các cân đối lớn được bảo đảm; an
ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm tốt. Việt Nam đang
nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực, cải thiện vị thế quốc
tế nhờ duy trì động lực tăng trưởng cân bằng cả trong và ngoài nước; sức mạnh nội
lực và vị thế kinh tế quốc tế được thế giới ghi nhận và dự báo tiếp tục sự hồi
phục và tăng trưởng tích cực...
Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu
năm 2024 có nhiều khởi sắc về sự đồng đều và chất lượng tăng trưởng, với GDP
tăng 6,42%, vượt kịch bản đề ra và là mức cao của khu vực và thế giới. Báo cáo
Triển vọng kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tháng 4-2024 cũng chỉ
ra, Việt Nam là đại diện Đông Nam Á duy nhất lọt vào top 10 với dự báo tăng trưởng
6,4% từ năm 2024 đến 2029 và sẽ trải qua một giai đoạn tăng trưởng kinh tế mạnh
mẽ, đặt đất nước vào hàng ngũ các nền kinh tế mới nổi có tốc độ tăng trưởng
nhanh nhất.
Theo ông Paulo Medas, Trưởng đoàn Tham vấn và giám sát kinh
tế vĩ mô Việt Nam của IMF, Việt Nam tiếp tục hội nhập và nền kinh tế đã thực sự
phục hồi nhanh chóng trong nửa đầu năm 2024, sau giai đoạn khó khăn cuối năm
2022 và đầu năm 2023. Nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi nhanh hơn dự kiến, một
phần nhờ vào xuất khẩu mạnh và đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như hiệu quả từ
những hành động của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, như việc cắt giảm
lãi suất, gia tăng đầu tư công, tăng lương...
Còn theo báo cáo công bố tháng 4-2024 của Ngân hàng Thế giới
(WB), Việt Nam được giữ nguyên dự báo mà WB đã công bố đầu năm là sẽ tăng trưởng
5,5% GDP trong năm 2024 và tiếp tục nằm trong nhóm đầu thế giới về tốc độ tăng
trưởng kinh tế. Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn, nằm trong số các quốc
gia có tốc độ tăng trưởng cao với tiềm năng tăng trưởng khoảng 8%.
Đặc biệt, những năm gần đây, cùng với duy trì tốc độ và động
lực tăng trưởng ổn định, cân đối ngân sách nhà nước và dự trữ ngoại hối có nhiều
cải thiện, liên tục vượt dự toán kế hoạch thu ngân sách nhà nước hằng năm và
duy trì mức dự trữ ngoại hối cao; kiểm soát tốt nợ công và thâm hụt ngân sách
nhà nước dưới mức Quốc hội cho phép. Bởi vậy, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy
tín thế giới liên tục duy trì mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba2
(Moody’s ) hoặc BB+ (Fitch Ratings) với triển vọng chung là “Ổn định”. Trong
đó, tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings (Mỹ) xếp hạng tín nhiệm
quốc gia đối với Việt Nam trong dài hạn ở mức BB+ và trong ngắn hạn ở mức B.
Triển vọng về xếp hạng tín nhiệm trong dài hạn là “Ổn định”.
Những kết quả và triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực như
nêu trên là minh chứng thuyết phục khẳng định và tiếp tục tạo nền tảng vững chắc
cải thiện nguồn thu ngân sách nhà nước và thu nhập xã hội bảo đảm cho cuộc cải
cách tiền lương thời gian tới ở Việt Nam thực sự dựa vào nguồn lực của chính
mình và góp phần làm tăng nguồn nội lực đó...
Tiếp tục các giải
pháp tăng lương bền vững
Chính phủ đã, đang và sẽ tiếp tục chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng,
chắc chắn, bài bản, khoa học để thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Năm
2024, Quốc hội giao Chính phủ triển khai thực hiện các nội dung đã rõ, đủ điều
kiện để thực hiện, gồm: Hoàn thiện chế độ nâng lương; bổ sung chế độ tiền thưởng;
quy định nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; hoàn thiện cơ chế quản lý
tiền lương và thu nhập. Mới đây, ngày 30-6, Chính phủ đã ban hành Nghị định số
73/2024/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ,
công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, trong đó đã hướng dẫn cụ thể nguồn
kinh phí thực hiện việc tăng lương cơ sở...
Về trung và dài hạn, Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục hoàn
thành các nhiệm vụ đề ra cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, tập
trung vào việc xây dựng các bảng lương và chế độ phụ cấp mới, hoàn thiện các
văn bản quy phạm pháp luật về các chế độ, chính sách gắn với mức lương cơ sở, vị
trí việc làm trong hệ thống chính trị và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức,
viên chức theo vị trí việc làm, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, bảo
đảm tính khả thi, công bằng, hợp lý, tổng thể, phù hợp với tình hình kinh tế-xã
hội và nguồn lực của đất nước.
Theo Bộ Nội vụ, tính đến nay, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và lãnh đạo
các bộ, ngành đã ban hành 39 thông tư hướng dẫn và 100% bộ, ngành, địa phương
đã hoàn thành phê duyệt Đề án vị trí việc làm. Thời gian tới, các cơ quan chức
năng sẽ tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng danh mục vị trí việc làm xã
hội; bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm; tiếp tục rà
soát tổng thể tất cả bảng lương và nghiên cứu, tính toán hài hòa vấn đề phụ cấp,
khen thưởng và một số chế độ đặc thù của lực lượng vũ trang và của cán bộ, công
chức, viên chức một số chuyên ngành (đặc biệt là phụ cấp theo nghề) mà trong
quá trình thực hiện có phát sinh bất hợp lý.... Trên cơ sở đó tính toán nguồn lực
và có giải pháp thực thi hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tiền lương xã hội.
Tóm lại, việc tăng lương cho người lao động đang được triển
khai theo chủ trương và lộ trình trung và dài hạn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ;
đồng thời, bám sát sự phát triển chung của nền kinh tế, phù hợp với các nguồn lực
tài chính hiện có của đất nước. Việc tăng lương hay cải cách tiền lương là một
sự quan tâm đặc biệt đến đời sống nhân dân trong quá trình xây dựng và phát triển
nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhận được sự đồng thuận của
nhân dân, đáp ứng được mong mỏi của người lao động, thể hiện tính nhất quán,
tính ưu việt, nhân văn của chế độ ta...
TS NGUYỄN MINH PHONG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét