[CAND] Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp luật, chương trình, kế hoạch chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tội phạm mua bán người. Trong đó tập trung hiệu quả 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, từng bước đẩy lùi tội phạm này ra khỏi đời sống - xã hội.
Báo cáo của Cơ quan phòng, chống tội phạm mua bán người tại
Việt Nam cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình tội phạm mua bán người ở
nước ta có diễn biến phức tạp, đòi hỏi cần có nhiều giải pháp, nỗ lực hơn nữa
trong công tác này, theo đó 6 tháng đầu năm 2024, số vụ mua bán người được phát
hiện, khởi tố mới tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh thủ đoạn truyền thống với hình thức gặp gỡ để tiếp
xúc làm quen trực tiếp với nạn nhân, tội phạm mua bán người đang có xu hướng
thay đổi phương thức hoạt động “từ truyền thống sang hiện đại”, các đối tượng lợi
dụng nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo, Viber, Wechat... để dụ dỗ, lừa gạt nạn
nhân. Ngoài ra, các đối tượng tiếp tục lợi dụng hoạt động tư vấn, môi giới hôn
nhân với người nước ngoài, cho nhận con nuôi, du lịch, thăm thân, người có nhu
cầu xuất khẩu lao động... để tuyển chọn, dụ dỗ, lôi kéo sau đó lừa bán nạn
nhân...
Cơ quan Công an lấy lời khai đối tượng Cụt Thị Mùi về tội “Mua bán trẻ em”. |
Trước tình hình trên, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ
trương, chính sách pháp luật, chương trình, kế hoạch chỉ đạo các bộ, ngành, địa
phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tội
phạm mua bán người, trong đó tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả 9 nhóm
nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ
giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, công tác phòng ngừa, nhất là công tác tuyên truyền,
truyền thông về phòng, chống mua bán người được đặc biệt chú trọng, triển khai
tích cực với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng, hướng về cơ sở và các
đối tượng có nguy cơ cao bị mua bán. Việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án
mua bán người được lực lượng chức năng tích cực triển khai thực hiện, nhiều đường
dây mua bán người ra nước ngoài, trong nội địa được triệt phá và đưa ra xét xử
nghiêm minh trước pháp luật.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng đã phát hiện,
điều tra 98 vụ, 234 đối tượng; xác định 247 nạn nhân. Điển hình, cơ quan chức
năng tỉnh Lào Cai phát hiện, điều tra 1 vụ, 3 đối tượng lừa 6 nạn nhân sang
Lào; tại tỉnh Nghệ An, vào tháng 7/2024, Công an huyện Tương Dương đã khởi tố vụ
án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Cụt Thị Mùi (SN 1991), trú tại huyện Thanh
Chương (Nghệ An) về tội “Mua bán trẻ em”, đồng thời đã giải cứu thành công nạn
nhân C.T.K. (SN 2002), trú tại huyện Tương Dương và 2 nạn nhân khác khi mở rộng
điều tra vụ án.
Trước đó, chiều11/6, Công an TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã
bắt quả tang Phạm Thị Hằng (SN 1986), trú tại thị xã Nghi Sơn (Thanh Hoá) khi
đang giao dịch và bán cháu gái 5 ngày tuổi tại nhà nghỉ Thu Hà, TP Thanh Hóa.
Tiến hành kiểm tra nơi ở của đối tượng, cơ quan Công an phát hiện Hằng đang
nuôi 3 phụ nữ mang thai, sau khi sinh, đối tượng sẽ liên hệ làm thủ tục cho con
nuôi và trả mỗi người 10 triệu đồng.
Công tác xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn
nhân bị mua bán được thực hiện nhanh chóng, bảo đảm quyền của nạn nhân. 6 tháng
đầu năm 2024, các cơ quan chức năng đã tiếp nhận, xác minh, giải cứu, hỗ trợ 11
nạn nhân, đưa về nước 9 nạn nhân.
Việc hợp tác quốc tế tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương
đẩy mạnh thực hiện với nhiều hoạt động hợp tác song phương, đa phương, mang lại
hiệu quả thiết thực. Qua đó, các nước, các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực và
nhìn nhận khách quan hơn, thể hiện rõ nét ở việc Việt Nam được nâng lên nhóm 2
trong Báo cáo đánh giá tình hình mua bán người trên thế giới của Hoa Kỳ.
Ngoài ra, để phòng ngừa tội phạm lợi dụng không gian mạng dụ
dỗ nạn nhân, nhất là trẻ em, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an phối hợp cùng các
đơn vị tham gia xây dựng phần mềm: “Người trợ lý ảo” trong phòng, chống xâm hại
trẻ em và người dưới 18 tuổi cài trên App điện thoại. Ứng dụng phần mềm này được
thiết kế các bộ câu hỏi liên quan đến lĩnh vực: Xâm hại trẻ em, bạo lực học đường,
phòng, chống ma tuý, căn cước công dân, an toàn giao thông…, các hình ảnh hướng
dẫn kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em.
Đặc biệt ứng dụng phần mềm được cài đặt chức năng tổng đài
khẩn cấp, đường dây nóng của các đơn vị. Ví dụ: Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em
111; Cảnh sát 113; Phòng cháy 114; Y tế 115 và những câu chuyện liên quan đến
tình huống xâm hại trẻ em nhằm trực quan hoá các kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ,
phòng ngừa trước các loại tội phạm. Có thể nói, phần mềm “Người trợ lí ảo” là ứng
dụng đầu tiên tại Việt Nam chuyên về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Theo Cục Cảnh sát hình sự, đến nay đã có 20.000 lượt cài và truy cập.
Từ những kết quả nêu trên, thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của
Chính phủ Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương và toàn dân đối với công tác
phòng, chống mua bán người. Qua đó, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tội phạm mua
bán người ra khỏi đời sống xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu “bảo vệ an ninh
con người” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của
Đảng và thiết thực hưởng ứng chủ đề hành động của năm 2024 “Không để trẻ em nào
bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người”.
Thời gian tới, dự báo cuộc chiến phòng, chống tội phạm mua
bán người sẽ tiếp tục có diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng khi nhu cầu
tìm việc làm để ổn định đời sống của người dân tăng cao; sự phát triển mạnh mẽ
của Internet và các trang mạng xã hội mang lại nhiều tiện ích cho việc trao đổi
thông tin, song cũng là phương tiện để tội phạm mua bán người lợi dụng hoạt động,
lừa gạt dụ dỗ, mua bán, nhất là đối với nạn nhân là trẻ em và người dưới 16 tuổi.
Do vậy, cần sự tiếp tục vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính
quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể quần chúng, các ban, ngành và
toàn dân từ Trung ương đến địa phương cùng nhau cam kết và biến cam kết thành
hành động. Để mỗi thành viên trong cộng đồng phải là một thành viên tích cực
trong cuộc chiến chống nạn mua bán người.
Liên hợp quốc xác định mua bán người là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất thế giới và đưa vào chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu kể từ năm 2013, cũng như chọn ngày 30/7 là Ngày thế giới phòng, chống mua bán người.
Ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định lấy ngày 30/7 hàng năm là Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người.
Từ năm 2016, Ban Chỉ đạo 138/CP chủ trì hoạt động kỷ niệm Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người.
Chủ đề Ngày thế giới phòng, chống mua bán người năm 2024 là "Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người".
Minh Hiền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét