Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2024

“Nhận vơ” thành tích, đùn đẩy trách nhiệm - căn bệnh trầm kha, mối nguy cho Đảng-Bài 1: Nhận diện những dạng thức mới của căn bệnh trầm kha

[QĐND] “Nhận vơ” thành tích nhưng khi tập thể, cá nhân có khuyết điểm thì lại đùn đẩy, lo sợ trách nhiệm. Đây là căn bệnh nguy hại bởi nó là giặc “nội xâm”, một loại “giặc từ bên trong”, gây chia rẽ đoàn kết, kìm hãm sự phát triển, làm giảm sút sức sống, uy tín, ngăn cản bước tiến sự nghiệp cách mạng của Đảng ta. Nguy hại là căn bệnh này đang lây lan trong phong cách làm việc của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Trị bệnh “nhận vơ” thành tích, đùn đẩy, lo sợ trách nhiệm vừa là công việc cấp bách, vừa là nhiệm vụ lâu dài của Đảng hiện nay.

Mặc dù chẳng có đóng góp hoặc không đáng kể nhưng vẫn “nhận vơ” thành tích về mình, thậm chí phô trương thành tích để làm đẹp báo cáo, đánh bóng tổ chức và bản thân; nhưng hễ có sai lầm, khuyết điểm gì thì lại lo sợ trách nhiệm và tìm mọi cách để chối bay, chối biến, đùn đẩy, không dám nhận. Đó là biểu hiện của sự sa sút về tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống; một biểu hiện cụ thể, rất đáng báo động của chủ nghĩa cá nhân. Để điều trị căn bệnh này, cần thiết phải mổ xẻ mầm mống, “nội soi” nguyên nhân gây ra.

Biểu hiện lo ngại của chủ nghĩa cá nhân

Khi muốn ám chỉ, phê phán những kẻ có lối sống thực dụng, khôn lỏi, thành tích thì vơ hết về mình, khó khăn, hiểm nguy lại đùn đẩy cho người khác, người xưa thường có câu: “Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”. Lời nhắc nhở ấy cho đến nay vẫn nguyên giá trị; bởi hành vi này đang ngấm ngầm diễn ra trong hoạt động công quyền ở các cơ quan Nhà nước.

Theo Từ điển tiếng Việt: “Nhận vơ” là nhận về mình cái biết rõ là không phải của mình. Đây là hành vi ngang ngược mà biểu hiện thấy rõ nhất là khi cấp trên đề nghị báo cáo thành tích để khen thưởng thì các tổ chức, cơ quan đồng loạt báo cáo rất kêu. Ngoài việc “tô hồng” thành tích thì có cả những phần việc biết đơn vị, cá nhân mình không tham gia nhưng vẫn khai man, “dây máu ăn phần”. Người mắc bệnh này thường có tâm lý hoang mang, lo sợ, hoài nghi, thiếu niềm tin và mang tư tưởng ghen ghét, đố kỵ. Nhiều tổ chức, cá nhân soạn xong báo cáo thì gửi cấp trên, còn nội bộ thì giấu tiệt đi, không cho ai biết vì sợ bị lộ. Thế nhưng “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”. Chuyện thật như bịa ấy đã xảy ra ở tỉnh Vĩnh Long cách đây chưa lâu. Chuyện là, khi được cấp trên đề nghị báo cáo tiến độ Dự án xây dựng nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Phú, lãnh đạo huyện Long Hồ đã vô tư khai man hoàn thành tiến độ để được biểu dương. Chỉ đến khi bị đoàn thanh tra của Chính phủ về làm việc thì mới lòi “cái đuôi chuột” ra.

Tranh: MẠNH TIẾN

Lại có một chuyện cười ra nước mắt, vào dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), một đơn vị nọ ở địa phương được giao nhiệm vụ đón và phục vụ các đoàn thiện nguyện từ các nơi về thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách. Cuối năm làm báo cáo, đơn vị ấy đã “mạnh dạn” tự cộng thêm các phần quà của các tổ chức khác đến thăm, tặng vào thành tích của đơn vị mình. Với thành tích cao "ngất ngưởng" và được cấp trên khen thưởng, biểu dương... Hoặc hiện tượng khá phổ biến trong thực tế khi đánh giá về kết quả của một việc cụ thể, ví như thành tích trong công tác tuyên truyền, các hoạt động phong trào, xây dựng mô hình điển hình... Tổ chức đảng, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, công đoàn cũng đều nhận về mình. Tổ chức nào cũng “vơ vào” số liệu, cách làm, hiệu quả... giống và “hay” như nhau.

Thành tích thì vơ về mình nhưng hễ liên quan đến trách nhiệm thì tìm cách đùn đẩy. Biểu hiện đó là: Nhiều tổ chức và cá nhân khi bị nhắc nhở, phê bình thì tìm mọi cách để đổ lỗi, tìm một lý do nào đó để chèo lái sự việc sang hướng khác, hòng tìm đường thoát cho mình. Thường thì cấp trên đổ lỗi cho cấp dưới; cấp dưới lại đổ lỗi cho cấp dưới nữa; hoặc vin vào lý do cơ chế, do điều kiện, hoàn cảnh... Sau khi đùn đẩy là lo sợ trách nhiệm. Biểu hiện mắc bệnh này là thường xuyên sợ bị liên lụy, sợ bị quy trách nhiệm, sợ bị ảnh hưởng lợi ích cá nhân, nên làm gì cũng tính toán, so đo, lo sợ, không quyết đoán, thu mình trong “chiếc kén”. Thậm chí cấp trên giao nhiệm vụ nhưng tìm mọi cách để né tránh, không làm, hoặc kiểu làm đối phó, không tận tâm, tận lực để tránh vạ trách nhiệm. Đây cũng là căn bệnh mà cách đây 50 năm, trong bài viết "Bệnh sợ trách nhiệm” của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đăng trên Tạp chí Cộng sản chỉ rõ: “Làm việc cầm chừng cho đủ bổn phận, cốt sao không phạm khuyết điểm. Rụt rè, do dự khi giải quyết công việc, không phát biểu rõ ràng, dứt khoát ý kiến của mình, không dám quyết đoán những việc thuộc phạm vi trách nhiệm và quyền hạn được giao. Lấy lý do làm việc tập thể, tôn trọng tập thể để dựa dẫm vào tập thể, việc lớn việc nhỏ gì cũng đưa ra tập thể bàn, chờ ý kiến tập thể cho đỡ phiền...”.

“Nhận vơ” thành tích, đùn đẩy, lo sợ trách nhiệm là những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động, thực thi nhiệm vụ của tổ chức, một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay. Nó có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, là biểu hiện đáng báo động với các dạng thức mới của chủ nghĩa cá nhân, biểu hiện của tình trạng “tranh công, đổ lỗi”. Căn bệnh này đang lây lan và có chiều hướng gia tăng, nhất là thời điểm trước thềm đại hội Đảng các cấp. Thực chất nó tạo nên sự vững mạnh giả tạo, thành tích ảo; triệt hạ sự phát triển.

“Tấm bình phong” che khuyết điểm

Trong suốt cuộc đời cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn lo lắng, rèn giũa, nhắc nhở cán bộ tránh xa những thói hư tật xấu của chủ nghĩa cá nhân. Người gọi chủ nghĩa cá nhân là “giặc nội xâm”-giặc ở bên trong mỗi con người, mỗi cơ quan, đoàn  thể; “Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu”.

Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XII (năm 2016), Đảng ta đã đưa ra 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Biểu hiện trước tiên đó là do cán bộ, đảng viên sa vào chủ nghĩa cá nhân:  “Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn  người khác hơn mình”. Quân ủy Trung ương cũng ban hành Nghị quyết số 847-NQ/QUTW về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới. Điều ấy cho thấy quyết tâm cao của Đảng ta trong công cuộc chống lại các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân.

Thành tích, khen thưởng vốn là những mỹ từ rất ý nghĩa. Đó là sự ghi nhận, khẳng định quá trình phấn đấu, nỗ lực trong thực thi nhiệm vụ; khác xa hoàn toàn với hành vi “nhận vơ” thành tích, đùn đẩy, lo sợ trách nhiệm. Vì sao căn bệnh này xuất hiện ngày càng đáng báo động, lây lan ở một bộ phận cán bộ, đảng viên?

Xét về nguyên nhân chủ quan thì sâu xa của căn bệnh này là do chủ nghĩa cá nhân mà ra; dẫn đến một số cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Biểu hiện rõ nhất là bệnh thành tích, háo danh, háo thành tích, “con gà tức nhau tiếng gáy”, nên luôn bon chen, ganh đua. Đôi khi, các tổ chức, cá nhân còn sử dụng thành tích để làm “tấm bình phong” che đậy khuyết điểm. Bệnh này còn do một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu trách nhiệm, thiếu trung thực trong thực thi nhiệm vụ. Cùng với tâm lý sợ sai, ngại va chạm nên họ làm việc cầm chừng, thiếu sáng tạo, né tránh khuyết điểm để lợi mình, hại người.

Xét về nguyên nhân khách quan, trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật và vận hành các cơ chế, chính sách, quy định vẫn còn nhiều nội dung chồng chéo, mâu thuẫn, phát sinh tình trạng chồng lấn chức năng, nhiệm vụ. Bên cạnh đó, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng quyết liệt, nhiều cán bộ, kể cả cấp cao bị xử lý. Kết quả đó bên cạnh hiệu ứng xã hội rất tốt, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cũng tác động tới tư tưởng, tâm lý của một bộ phận cán bộ, đảng viên, lo lắng, lo sợ thái quá, làm gì cũng nghe ngóng, sợ sai, sợ trách nhiệm, chỉ lo bảo toàn, giữ ghế; hoặc tìm mọi cách đánh bóng, ghi điểm tạo sự vững mạnh giả tạo; khi xảy ra sự vụ thì đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Việc cụ thể hóa, hiện thực hóa chủ trương, quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, nhiều nơi chưa quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả...

Trong thực tế, không ít cán bộ, đảng viên nhờ “nhận vơ” thành tích, đùn đẩy trách nhiệm, qua mặt được tổ chức, leo cao trong bộ máy Nhà nước, đến lúc bị xử lý mới vỡ lẽ ra. Lỗi này một phần nguyên nhân là do việc theo dõi, bồi dưỡng, đánh giá, kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên chưa hiệu quả. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII chỉ rõ: Đó chính là vì “tâm lý nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”. Mặt khác, hoạt động thi đua, khen thưởng ở một số đơn vị còn nặng tính hình thức, chưa chú trọng kết quả thực chất, việc tổ chức, đánh giá còn hời hợt, cảm tính.

Căn bệnh “nhận vơ” thành tích, đùn đẩy, lo sợ trách nhiệm để lại nhiều hệ lụy, là mối nguy của Đảng, đó cũng là nội dung chúng tôi bàn ở bài viết sau.

“Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thậm chí sợ trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn là vấn đề rất đáng lo ngại, diễn biến phức tạp, không thể chủ quan, lơ là”. (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng)

(còn nữa)

NHÓM PHÓNG VIÊN

Thứ Ba, 28 tháng 5, 2024

Báo cáo riêng của các cơ quan LHQ tại Việt Nam về UPR chu kỳ IV có nhiều nội dung sai sự thật

VOV.VN - Việt Nam rất thất vọng dù có sự hiện diện đầy đủ tại Việt Nam và có quan hệ hợp tác lâu dài toàn diện với các bộ, ban, ngành địa phương của Việt Nam nhưng báo cáo riêng của các cơ quan Liên Hợp Quốc tại Việt Nam về cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV vẫn có nhiều nội dung sai sự thật.

Trả lời câu hỏi báo giới về phản ứng của Việt Nam trước nội dung báo cáo của các cơ quan Liên Hợp Quốc tại Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 11/4 cho biết:

“Chúng tôi rất thất vọng dù có sự hiện diện đầy đủ tại Việt Nam và có quan hệ hợp tác lâu dài toàn diện với các bộ, ban, ngành địa phương của Việt Nam nhưng báo cáo riêng của các cơ quan Liên Hợp Quốc tại Việt Nam về cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV vẫn có nhiều nội dung sai sự thật, không được kiểm chứng, cùng nhiều đánh giá không khách quan, không công bằng, không phản ánh chính xác và đầy đủ về tình hình, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người".

Theo ông Đoàn Khắc Việt, trong thời gian qua, quá trình xây dựng báo cáo UPR cấp quốc gia chu kỳ IV của Việt Nam đã được tiến hành nghiêm túc, toàn diện và có sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan, các cơ quan Liên Hợp Quốc tại Việt Nam. Tuy nhiên, báo cáo riêng của cơ quan Liên Hợp Quốc đã không được xây dựng một cách minh bạch, tương xứng với thiện chí hợp tác và quá trình xây dựng báo cáo cấp quốc gia của Việt Nam; hoàn toàn không thể hiện đúng tinh thần và thực tiễn hợp tác giữa Việt Nam và Liên Hợp Quốc, các ưu tiên hợp tác mà các cơ quan hợp tác phát triển đã nhất trí.

“Chúng tôi cho rằng, trong tương lai, các hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và các cơ quan phát triển của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cần được triển khai phù hợp với chức năng nhiệm vụ của các cơ quan liên quan cũng như các nhu cầu ưu tiên của Việt Nam”, ông Đoàn Khắc Việt nói.

Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt biểu dương các cháu con liệt sĩ công an

VOV.VN - Nhân Tháng hành động vì trẻ em, Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, chiều nay, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt biểu dương các cháu con liệt sỹ công an, con đỡ đầu hội phụ nữ công an, con nuôi công an xã và con cán bộ chiến sỹ công an đạt giải quốc gia, quốc tế năm 2023-2024 trong khuôn khổ chương trình “Trại hè yêu thương”.

Phát biểu tại đây, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị các ban, bộ, ngành, cấp ủy chính quyền các cấp tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em với những mục tiêu rất cụ thể, đó là “Toàn xã hội chăm sóc trẻ em, trẻ em bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải được chăm lo chu đáo”.

Những năm qua, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đặc biệt quan tâm đến công tác trẻ em, xây dựng gia đình cán bộ chiến sĩ Công an hạnh phúc, bền vững. Đồng thời chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao liên quan đến công tác phối hợp liên ngành của Bộ Công an trong triển khai thực hiện các hoạt động phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; đẩy mạnh tổ chức các hoạt động xã hội từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, các hoạt động chung sức cùng cộng đồng, tập trung chăm sóc người yếu thế trong xã hội, đặc biệt là trẻ em tại địa bàn đơn vị đóng quân thông qua chương trình “Mẹ đỡ đầu”, “Con nuôi Công an”, “Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi Công đoàn”.

Tính đến thời điểm hiện tại, có hơn 3 nghìn trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn được Công an các đơn vị, địa phương nhận chăm sóc, hỗ trợ. Từ hiệu quả của chương trình đã tạo chuyển biến rõ rõ nét về nhận thức và vai trò trách nhiệm của cán bộ chiến sĩ trong giáo dục, chăm sóc trẻ em. Hầu hết các con đỡ đầu, các cháu con của cán bộ, chiến sỹ Công an học tập, rèn luyện tốt, chăm ngoan, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, có ý thức xây dựng cộng đồng; nhiều cháu đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ vui mừng gặp mặt các cháu học sinh là con liệt sĩ Công an, con đỡ đầu Hội phụ nữ Công an, con nuôi Công an xã, con cán bộ, chiến sĩ đạt giải quốc gia, quốc tế năm học 2023-2024. Chủ tịch nước đánh giá cao sáng kiến của Bộ Công an tổ chức chương trình “Trại hè yêu thương”, triển khai các mô hình con đỡ đầu Hội phụ nữ Công an, con nuôi Công an xã. Chủ tịch nước nhấn mạnh, đây là những chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là cơ hội để các cháu là con liệt sĩ, các cháu có hoàn cảnh khó khăn, có thành tích học tập xuất sắc gặp gỡ, giao lưu, học hỏi với tinh thần yêu thương, cảm thông và đoàn kết, vượt qua khó khăn, phát huy thành tích để ngày càng tiến bộ, vươn lên thành những công dân có ích. Chủ tịch nước khẳng định, Đảng, Nhà nước ta, nhân dân ta đã, đang và sẽ luôn dành tất cả tình yêu thương và những gì quý giá nhất cho trẻ em với tinh thần “Trẻ em như búp trên cành”.

Trong đó đã nhiều hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em như chương trình “Mùa xuân cho em”, “Phẫu thuật nụ cười”, “Vì trái tim trẻ thơ”; nhiều phong trào có ý nghĩa như “Đỡ đầu trẻ em mồ côi không nơi nương tựa”, “Học bổng cho trẻ em nghèo hiếu học”; trong Công an nhân dân là chương trình hỗ trợ xây dựng, sửa chữa hàng chục nghìn căn nhà ở cho các hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở vùng dân tộc thiểu số, xây dựng các điểm trường vùng cao, các chương trình “Con nuôi Công an xã”, “Mẹ đỡ đầu”, “Sóng và máy tính cho em”…Chủ tịch nước cho rằng, đây là những chương trình có ý nghĩa rất thiết thực, đã hỗ trợ nhiều mặt cho các cháu từ thể chất đến tinh thần, giúp các cháu khắc phục khó khăn, tiếp cận với các điều kiện để phát triển toàn diện.

Để tiếp tục giành sự quan tâm đặc biệt đến công tác giáo dục, đào tạo và chăm lo thế hệ trẻ, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị: “Tôi đề nghị các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em với những mục tiêu rất cụ thể, đó là: “Toàn xã hội chăm sóc trẻ em, trẻ em bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải được chăm lo chu đáo; các cháu đến tuổi đi học đều được đến trường. Đồng thời có chính sách đặc biệt đối với các cháu ở vùng dân tộc; các cháu có hoàn cảnh khó khăn đều được chăm sóc; có chế độ khám bệnh, chăm sóc, điều trị các cháu bị bệnh bẩm sinh, tàn tật và phải được chăm sóc chu đáo bình đẳng, lên án mọi hành động xâm hại, đe dọa, xâm phạm, bóc lột trẻ em”

Chủ tịch nước cũng đề nghị Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tập trung lãnh đạo đoàn các cấp tích cực, chủ động thực hiện và tham gia giám sát Luật trẻ em năm 2016. Thực hiện tốt vai trò tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, kịp thời phản ánh, đề xuất, kiến nghị và tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến trẻ em, đặc biệt là phòng, chống bạo lực học đường, tai nạn thương tích và bạo hành, xâm hại trẻ em. Duy trì mối liên hệ mật thiết với thanh niên; tổ chức các chương trình, phát động các phong trào, thực sự phát huy vai trò đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em. Đồng thời đề nghị Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tích cực thực hiện vai trò, trách nhiệm trong hỗ trợ cha mẹ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ về trẻ em trong các Chương trinh mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và Chưcmg trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030. Hỗ trợ, can thiệp kịp thời đối với trẻ em có nguy cơ và bị xâm hại; chăm sóc đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình trẻ em, các vấn đề của trẻ em, tiếng nói trẻ em, suy nghĩ, mong muốn, ước mơ của trẻ em, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền trẻ em, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em”

Dịp này, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đề nghị lực lượng Công an, lực lượng Quân đội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; huỵ động sự tham gia tích cực của nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Đồng thời mong các cháu tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa, ra sức phấn đấu, học tập, rèn luyện, thực hiện thật tốt những lời dạy của Bác Hồ, nuôi dưỡng khát vọng xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp, nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, đạt nhiều kết quả trong học tập, tiếp bước cha anh xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.

Trước đó, trong sáng nay Chủ tịch nước Tô Lâm đã đến dự Lễ trao tặng Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng đối với đồng chí Thượng tướng Bùi Văn Nam, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an.

Quy định 144 tiếp tục làm rõ hơn về văn hóa từ chức

VOV.VN - Quy định 144 tiếp tục làm rõ hơn về văn hóa từ chức và Quy định này sẽ có hiệu lực nếu nâng tầm tính liêm sỉ, lòng tự trọng của người cán bộ, đảng viên và để xã hội giám sát.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định số 144 quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Quy định 144 gồm 6 điều, với 21 điểm, nêu rất cụ thể yêu cầu về 5 chuẩn mực đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên.

Phóng viên VOV.VN phỏng vấn PGS.TS Lê Quốc Lý – nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về nội dung này.

PV: Cho đến nay, Trung ương đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Theo ông, so với các quy định trước, Quy định 144 có điểm gì mới?

PGS Lê Quốc Lý: Trước khi có Quy định 144, Trung ương đã có Quy định 37 về những điều đảng viên không được làm; Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương… Nhất là trước kia, Bác Hồ đã có di huấn về “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.

Thực ra, chúng ta đã có đầy đủ các quy định từ lâu, nhưng lần này Bộ Chính trị hệ thống cụ thể lại về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới sao cho rõ ý, rõ nghĩa và sâu sắc hơn.

Theo tôi, điều quan trọng là có thực hiện được hay không. Vì thực tiễn thời gian qua cho thấy, nhiều cán bộ có chức, có quyền nhưng đôi lúc họ đã quên những điều đảng viên không được làm.

Quy định mới này ra đời rất đúng lúc bởi vì trước tình hình có nhiều vụ việc đáng buồn xảy ra thời gian qua, nhiều đảng viên có chức có quyền, thậm chí là cán bộ cấp cao bị xử lý hình sự do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống hoặc tham nhũng, lợi ích nhóm, họ đã quên mất mình là đảng viên, họ đã quên lời thề khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Nếu trong tâm họ luôn nghĩ về điều làm sao cho dân được ấm no, tự do, hạnh phúc thì chắc chắn họ sẽ không nghĩ tới việc vơ vét, tham nhũng, hay sa đọa, ăn chơi.

Quy định mới ban hành thời điểm này rất tốt, tôi rất ủng hộ, hoan nghênh và đánh giá rất cao. Quy định này như tấm gương để mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức có quyền soi chiếu hàng ngày để tự sửa, tự rèn luyện mình, đừng quên mục đích, tôn chỉ mà Đảng ta đã nêu ra từ đầu là “vì lợi ích quốc gia, dân tộc”, “vì nhân dân phục vụ”.

PV: Quy định 144 nêu rõ 5 chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ giai đoạn mới, đây cũng là căn cứ để đánh giá phẩm chất, nhân cách, thái độ, hành vi của cán bộ, đảng viên, thưa ông?

PGS Lê Quốc Lý: Đảng viên hãy tâm niệm bản thân sống tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm sao cho nhân dân được ấm no, tự do, hạnh phúc, trong đó có ta cũng ấm no, tự do, hạnh phúc thì đất nước sẽ phát triển. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức có quyền cần đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, mọi quyền lợi đều thuộc về nhân dân.

Còn nếu chọn sống sướng trước dân, ăn chơi sa đọa trong khi dân còn đói khổ thì đó là một tội ác. Như đại án Việt Á liên quan tới hàng loạt cán bộ đưa và nhận hối lộ, xảy ra vi phạm nghiêm trọng, đó là tội ác không thể dung thứ. Trong khi cả nước đang trong giai đoạn vô cùng khó khăn, đối diện với cái chết, không ai dám bảo đảm rằng mình còn có thể sống, hàng nghìn đứa trẻ đã không còn bố mẹ… thế nhưng một nhóm người có quyền có chức vẫn tham nhũng, tha hóa, vẫn vơ vét thì tội ác này phải gấp 2 lần. Những cán bộ này đã không còn xứng đáng là đảng viên. Qua đây, Đảng cần nghiêm túc giáo dục đảng viên và nghiêm túc kiểm điểm mình.

Mặc dù thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có những kết quả to lớn, “không có vùng cấm, “không có ngoại lệ”, những cán bộ, đảng viên nào đã mắc sai phạm đều bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hoặc từ chức. Tuy nhiên, nếu từ chức mà không thu hồi tài sản thì đó cũng là điều đáng buồn. Theo tôi, cán bộ từ chức nhưng cũng phải bị thu hồi tài sản thì mới là giáo dục đến nơi đến chốn.

PV: Trong Quy định 144 ghi rõ cụm từ “Thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín”. Như vậy cùng với Quy định 41 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, Quy định 144 tiếp tục làm rõ hơn về “văn hóa từ chức” trong Đảng và hệ thống chính trị, thưa ông?

PGS Lê Quốc Lý: Quy định 144 tiếp tục làm rõ hơn về văn hóa từ chức và Quy định này sẽ có hiệu lực nếu nâng tầm tính liêm sỉ, lòng tự trọng của người cán bộ, đảng viên và để xã hội giám sát.

Cùng với đó, cán bộ đối chiếu theo quy định của Đảng, soi chiếu bản thân, nếu xét thấy mình đã mắc vi phạm, bị kỷ luật, năng lực không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ thì nên tự giác, tự nguyện rời khỏi vị trí, đừng để các cấp có thẩm quyền phải xem xét miễn nhiệm. Đây là hành động cần thiết của những người có lòng tự trọng và cũng là giữ chút liêm sỉ còn sót lại của người cán bộ, đảng viên.

Trên thực tế, thời gian qua, đã có một số cán bộ giữ các chức vụ quan trọng xin từ chức. Phần lớn số cán bộ này từ chức là do có vi phạm, khuyết điểm. Dù việc họ rời vị trí là thể hiện sự chủ động, tuy nhiên việc từ chức sau khi vi phạm bị phát hiện, nhận hình thức kỷ luật thì tính chất, ý nghĩa cũng khác. Vì vậy, văn hóa từ chức cần được xây dựng để khi cán bộ đã mắc vi phạm rồi dù chưa bị phát hiện, nhưng vì tự trọng và danh dự của mình mà tự nguyện từ chức.

Nhưng từ chức rồi thì không có nghĩa là tổ chức sẽ xóa sạch những vi phạm của họ. Anh không thể sử dụng quyền từ chức, khắc phục toàn bộ thiệt hại thì sẽ được vô hiệu hóa hậu quả của các vi phạm. Cần phải căn cứ vào tính chất của từng vi phạm, nặng thì bị trừng trị, nhẹ thì cũng cần có biện pháp răn đe, cùng với đó là thu hồi tài sản tham nhũng nếu có.

PV: Điều 3 của quy định nêu rõ, cán bộ quản lý, sử dụng tài sản công đúng mục đích, đúng quy định; tiết kiệm và hiệu quả; trong sạch, không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, không gây phiền hà, sách nhiễu…Ông có cho rằng, đây là những chỉ dấu rất cụ thể để cán bộ tránh được những "vết trượt" dài?

PGS Lê Quốc Lý: Những điều này đã được quy định trong nhiều văn bản về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trước đó chứ không phải bây giờ mới nhắc tới. Mặc dù đã quy định rõ như vậy nhưng thời gian qua, nhiều trường hợp vẫn mắc phải sai lầm.

Tôi hy vọng, với việc hệ thống một cách cụ thể, rõ ràng các chuẩn mực đạo đức của cán bộ trong giai đoạn mới, Quy định 144 sẽ sớm đi vào cuộc sống. Muốn vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền đến từng chi bộ để cán bộ, đảng viên “thấm sâu”, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm, tạo sự chuyển biến thành những hành động, việc làm cụ thể. Người nào vi phạm thì tổ chức sẽ có biện pháp trừng trị nghiêm khắc, từ đó hy vọng sẽ hạn chế được tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên mắc những sai phạm nghiêm trọng như thời gian qua.

PV: Xin cảm ơn ông.

Không ngừng hoàn thiện pháp luật để đảm bảo tốt hơn quyền con người

VOV.VN - Tiếp tục ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2026-2028 là minh chứng mạnh mẽ nhất cho cam kết của Việt Nam về bảo đảm quyền con người, nhất là trong hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, thực hiện nghĩa vụ theo các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.

Ngày 7/5/2024 tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở Geneva (Thụy Sỹ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt dẫn đầu Đoàn đại biểu gồm nhiều bộ, ngành ở Việt Nam tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.

Tại phiên đối thoại này, đoàn Việt Nam đã đề cập một cách tổng thể việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam kể từ lần rà soát UPR trước (2019), cập nhật khuôn khổ chính sách và pháp luật liên quan đến quyền con người, thông tin về thành  tựu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người ở Việt Nam. Để giúp độc giả hiểu hơn về những nỗ lực không ngừng nghỉ của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền con người, nhất là trong 5 năm trở lại đây, Báo Điện tử VOV triển khai loạt bài viết "VIỆT NAM TRÊN ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN, KHÔNG ĐỂ AI BỎ LẠI PHÍA SAU" sẽ làm rõ các thành tựu, từ hoàn thiện hệ thống pháp luật, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm quyền tự do tôn giáo, quyền được chăm sóc sức khỏe cộng đồng của người dân ....cũng như những đóng góp của Việt Nam trên cương vị là thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ. Trước hết, VOV.VN đăng tải bài viết số 1 nhan đề "Không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật để đảm bảo tốt hơn quyền con người".

Sửa Luật đất đai và hàng loạt văn bản luật để đảm bảo tốt hơn quyền con người

Hiến pháp 2013 lần đầu tiên chỉ rõ trách nhiệm của Nhà nước là "công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân", trách nhiệm của Chính phủ là “bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội”. Hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa… Pháp luật quy định trừng phạt nghiêm khắc các hành vi tước đoạt mạng sống của con người một cách tùy tiện; nghiêm cấm tra tấn nhục hình; chỉ áp dụng án tử hình với các loại tội đặc biệt nghiêm trọng nhất. Bộ luật Hình sự năm 2015 tiếp tục bỏ án tử hình ở 08 tội danh; không áp dụng hình phạt tử hình với người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội...

Có thể nói, từ Hiến pháp 2013, hàng loạt các bộ luật chuyên ngành đã được ban hành, tạo cơ sở pháp lý toàn diện bảo đảm quyền con người về dân sự, chính trị; quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương trong xã hội.

Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây kể từ lần rà soát UPR trước, Việt Nam đã thông qua hoặc sửa đổi 45 luật và hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề quyền con người, trong đó có nhiều văn bản luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân như Bộ Luật Lao động, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Phòng chống Ma túy và Luật Phòng chống Bạo lực gia đình. 

Đồng thời, tiến trình xây dựng pháp luật ngày càng minh bạch và bao trùm với sự tham gia rộng rãi của người dân. Ví dụ, trong quá trình dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, thông qua các kênh trực tiếp và trực tuyến, đã có hơn 12 triệu lượt góp ý và phản hồi về dự thảo. 

Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/1/2025 với rất nhiều điểm mới và nhận được sự đồng thuận cao của người dân, doanh nghiệp và các chuyên gia, nhà quản lý. Một trong những điểm mới của Luật được nhiều người dân đặc biệt quan tâm đó chính là vấn đề thu hồi, bồi thường và hỗ trợ tái định cư. Theo đó, Luật đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch… Việc này hướng đến bảo vệ cho người dân có đất bị thu hồi và đảm bảo cho người dân có được lợi ích thỏa đáng.

Luật Đất đai (sửa đổi) đã đưa ra các quy định giúp tăng cường sự tham gia của người dân trong công tác lập quy hoạch sử dụng đất thông qua việc tổ chức lấy ý kiến; bổ sung, hoàn thiện các quy định về việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất trong các khu vực quy hoạch. Việc này sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề bất cập trước đây…

Bên cạnh đó, nhiều quy định khác trong Luật đã được xây dựng nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Biểu hiện rõ nhất qua việc mở rộng quyền sử dụng đất, tiếp cận đất đai của công dân Việt Nam, chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số. Luật cũng giải quyết câu chuyện cân bằng lợi ích giữa các bên trong quan hệ đất đai…

Quyền tổ chức và thương lượng tập thể, xóa bỏ lao động cưỡng bức 

Trong 5 năm qua, Việt Nam cũng tiếp tục cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, bảo đảm tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung một số luật phù hợp với các cam kết quốc tế.  Việt Nam đã gia nhập các công ước quốc tế liên quan đến quyền con người, trong đó có Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về quyền tổ chức và thương lượng tập thể, Công ước 105 của (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức. 

Ngày 14/6/2019, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể với 100% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

Tại Điều 3 về tổ chức thực hiện điều ước quốc tế, Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các tổ chức, cơ quan có liên quan theo thẩm quyền tiến hành rà soát các quy định của Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 tại Phụ lục 02 và các văn bản pháp luật khác để tự mình hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và thực hiện các cam kết trong Công ước số 98.

Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm phê duyệt và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở Trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Công ước số 98; tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ nội dung Công ước số 98 để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân.

1 năm sau đó, tháng 6/2020, Quốc hội cũng đã thông qua nghị quyết gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về xoá bỏ lao động cưỡng bức.

Công ước số 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức là một trong tám công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Công ước số 105 là Công ước cùng cặp với Công ước số 29 trong nhóm tiêu chuẩn quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức (Việt Nam đã gia nhập Công ước số 29 năm 2007). Tính đến ngày 19/02/2020, trên thế giới đã có 173 trên tổng số 187 quốc gia thành viên của ILO tham gia Công ước này.

Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hội nhập kinh tế - quốc tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, việc gia nhập Công ước số 105 là rất cần thiết và có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, pháp lý và kinh tế - xã hội.

Việc gia nhập Công ước số 105 cũng tiếp tục khẳng định cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam với tư cách là quốc gia thành viên của ILO, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Hiệp định EVFTA yêu cầu các bên tham gia Hiệp định tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện có hiệu quả các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản; đồng thời yêu cầu các bên thực hiện các nỗ lực một cách liên tục và chắc chắn tiến tới gia nhập các công ước cơ bản còn lại của ILO.

Về pháp lý, pháp luật Việt Nam nghiêm cấm cưỡng bức lao động và có những chế tài xử lý nghiêm khắc đối với hành vi này (Hiến pháp, Bộ luật Lao động, Bộ luật Hình sự, Luật Phòng, chống mua bán người...). Đây là những tiền đề, cơ sở pháp lý quan trọng cho việc nghiên cứu đề xuất gia nhập Công ước số 105. Việc gia nhập Công ước số 105 sẽ góp phần củng cố và tăng cường cơ sở pháp lý để tiến tới xóa bỏ hoàn toàn lao động cưỡng bức tại Việt Nam.

Cùng với công cuộc đổi mới, Việt Nam đã nỗ lực mạnh mẽ trong việc thực hiện các cam kết và hợp tác quốc tế, hoàn thiện pháp luật, cơ chế bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Việt Nam đã tham gia 7/9 Công ước quốc tế cơ bản, cốt lõi về quyền con người của Liên hợp quốc, 25 công ước về lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 Công ước cơ bản. Nội dung của các công ước đã được nội luật hóa kịp thời trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn.

Việt Nam cũng đã chủ động nộp báo cáo rà soát định kỳ phổ quát lần 1, 2, 3, 4 và các báo cáo quốc gia về tình hình thực thi nghĩa vụ đối với các công ước về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. 

Có thể nói, tiếp tục ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2026-2028 là minh chứng mạnh mẽ nhất cho cam kết của Việt Nam về bảo đảm quyền con người, nhất là trong hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, thực hiện nghĩa vụ theo các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.

Việt Nam không đưa lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ phục vụ ý đồ của bất cứ ai

VOV.VN - Việt Nam không đưa lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình đi phục vụ ý đồ của bất cứ ai, của bất cứ nước nào; không làm hại các nước bạn bè hay nước sở tại.

Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc, 10 năm ngày truyền thống Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (27/5/2014-25/5/2024), phóng viên VOV có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng.

PV: Lực lượng gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc ra đời từ rất sớm, năm 1948. Phải mất tới hơn 60 năm sau, Việt Nam mới bắt đầu cử những sĩ quan đầu tiên đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Vì sao mà chúng ta tham gia muộn như vậy? Có phải do cơ chế hay rào cản nào không, thưa ông?

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: Đến năm 1977, Việt Nam mới được gia nhập Liên Hợp Quốc. Sau đó, chúng ta phải đương đầu với các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc và Tây Nam, tiếp đó là bình thường hoá quan hệ với các nước lớn.   

Lúc đầu, chúng ta cũng bị ảnh hưởng bởi tư duy mặc cảm thời chiến tranh lạnh: Cho rằng, Liên Hợp Quốc bị các nước lớn chi phối, thao túng nên chúng ta chưa thực sự quan tâm tới hoạt động gìn giữ hòa bình. Mặc dù lực lượng gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc ra đời từ năm 1948 và trên thực tế, sau này nghiên cứu mới thấy không phải một nước lớn nào có thể chi phối hoàn toàn hoạt động của Liên Hợp Quốc. Nhiều nước, trong đó có các nước như Ấn Độ, Indonesia - thành viên sáng lập phong trào không liên kết đều tham gia lực lượng này từ rất sớm, đóng góp quân số đông.

Cũng cần nói thêm rằng, lần đầu tiên Việt Nam tham gia là từ tháng 5/1997 (do Liên Hợp Quốc mời). Như vậy, sau 49 năm chứ không phải 60 năm sau Việt Nam mới tham gia. Lúc đó, Thường trực Ban Bí thư đồng ý nhận lời mời của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc và lời mời của nước bạn Algeria, giao Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao cử 5 sĩ quan, cán bộ tham gia tại làm quan sát viên Liên Hợp Quốc tại Algeria.

Bẵng đi hơn một thập kỷ sau, năm 2014, Việt Nam mới cử Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 tham gia. Sau khi đã chuẩn bị bộ máy, cơ chế, chính sách, nhân sự và tranh thủ được sự hỗ trợ quốc tế để có thể tham gia sâu hơn. Đến nay, chúng ta đã cử hàng chục quan sát viên, 5 lượt bệnh viện dã chiến và 2 đội công binh tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, với quân số khoảng trên 500 lượt sĩ quan, quan sát viên quân sự, quân y, công binh, cảnh sát…

Chúng ta cử quân nhân nhưng không cử lực lượng chiến đấu đi tham gia lực lượng này, theo đúng tính chất của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc là vô tư, không thiên vị, không sử dụng vũ lực (trừ trường hợp tự vệ cần thiết), theo đề nghị của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc và lời mời của nước chủ nhà.

PV: Thực hiện Nghị quyết 1325 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về phụ nữ, hòa bình, an ninh và phát triển, Việt Nam cũng đã cử những nữ sĩ quan tham gia vào lực lượng này. Theo ông, điều này có ý nghĩa như thế nào?

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: Ngay từ khi mới ra đời, lực lượng này do các quân nhân nam đảm nhiệm, sau đó mở rộng sang cảnh sát và các thành phần dân sự. Mấy thập kỷ gần đây, xuất hiện các quân nhân nữ trên thế giới tham gia, thậm chí tham gia cả những nhiệm vụ nặng nhọc vốn chỉ phù hợp với nam giới.

Việc Việt Nam cử các nữ sĩ quan tham gia lực lực lượng này là nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới, theo hướng tăng cường trao quyền cho phụ nữ, thêm cơ hội cho các chị em trải nghiệm, phấn đấu; đóng góp vào tương lai bền vững, an ninh, an toàn trên thế giới. Đồng thời cũng thể hiện Việt Nam thực hiện cam kết: Phụ nữ quân đội, phụ nữ công an sẽ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

PV: Điều 23, Khoản 1 Hiến chương Liên Hợp Quốc có quy định, khi bầu cử Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ “lưu ý đến sự đóng góp của các thành viên Liên Hợp Quốc vào việc duy trì hoà bình và an ninh quốc tế”. Ông có cho rằng, lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam đã mang về điểm cộng để Việt Nam trúng cử vào Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an và 2 lần trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc?

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: Việt Nam đã hai lần đảm nhiệm chức trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an; lần đầu nhiệm kỳ 2007-2008, nhiệm kỳ sau từ 2020-2021; Việt Nam cũng 2 lần trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016 và nhiệm kỳ hiện nay 2023-2025.

Như vậy, lần đầu tham gia Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an cũng như Hội đồng Nhân quyền, chúng ta chưa tham gia nhiều vào hoạt động này.

Tiêu chí lựa chọn ứng viên để Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bầu vào cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an hay Hội đồng Nhân quyền là phải đại diện cho khu vực địa lý. Liên Hợp Quốc chia thế giới thành 5 khu vực địa lý. Trong đó, có nhóm các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương.  Nước ứng viên phải được các nước khu vực (châu Á) tín nhiệm giới thiệu, theo tiêu chí toàn diện.

Lấy ví dụ, Việt Nam được các thành viên ASEAN nhất trí ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của ASEAN cho vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, đồng thời cũng là ứng cử viên châu Á duy nhất của Cộng đồng Pháp ngữ.

Các nước, các tổ chức khu vực tín nhiệm giới thiệu Việt Nam vì Việt Nam có tiếng nói mạnh mẽ, các bạn khu vực và quốc tế tin rằng Việt Nam sẽ mạnh mẽ hơn khi là thành viên của Hội đồng Bảo an hay Hội đồng Nhân quyền đối với các vấn đề trọng tâm của Liên Hợp Quốc cũng như của cộng đồng quốc tế.

Như thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, di cư, bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người thiểu số, người di cư, đặc biệt trong các cuộc khủng hoảng nhân đạo hoặc xung đột vũ trang trên phạm vi toàn thế giới.

PV: Vì sao Việt Nam chỉ tham gia những chiến dịch gìn giữ hòa bình đã được các bên xung đột đồng ý mời Liên Hợp Quốc tiến hành?

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: Đây là tiêu chí chung của Liên Hợp Quốc để đảm bảo tính khách quan, không thiên vị, vô tư và không lợi dụng lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc để nghiêng về bên này hay bên kia, không nghiêng về hoặc nước này hay nước kia trong cuộc xung đột.

Chúng ta không nên quên rằng: Chỉ khi xung đột giữa các bên hay, các nước liên quan chấm dứt, đi tới ký kết Hiệp định/Thỏa thuận hòa bình, trong đó có yêu cầu Liên Hợp Quốc cử lực lượng gìn giữ hòa bình đến giám sát thi hành Hiệp định/Thỏa thuận hòa bình, thì lúc đó, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc mới tiến hành lập Phái bộ gìn giữ hòa bình, chọn một quan chức dân sự là người đứng đầu Phái bộ; đồng thời Tổng Thư ký và nước/hoặc Chính phủ do các bên xung đột cử ra, lựa chọn thăm dò những nước nào có thể cử quân tham gia, sau đó chính thức mời quốc gia đó. Nói cách khác, nếu Tổng Thư lý Liên Hợp Quốc, các nước, các bên xung đột không mời thì chúng ta không thể mang lực lượng đến đó.

Mỗi Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc đều phải được Hội đồng Bảo an nhất trí thông qua bằng Nghị quyết, nêu rõ nhiệm vụ, thời hạn hoạt động, phạm vi hoạt động, kinh phí hoạt động và cứ 6 tháng lại rà xét 1 lần để xem có chấm dứt hay kéo dài hoạt động.

Nếu kéo dài, thì kéo dài đến khi nào, tất cả đều do Hội đồng Bảo an quyết định. Việt Nam chỉ tham gia những Phái bộ gìn giữ hòa bình do Liên Hợp Quốc thành lập và mời tham gia góp quân, để đảm bảo lực lượng này vô tư, không thiên vị, tránh xung đột hay bất đồng với nước chủ nhà.

PV: Khi Việt Nam cử lực lượng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, cũng có nhiều ý kiến đề nghị và đề xuất Việt Nam tham gia vào tìm kiếm, truy bắt tội phạm chiến tranh để giao nộp cho Toà án hình sự quốc tế nhưng chúng ta không đồng ý. Theo ông, vì sao chúng ta lại không tham gia hoạt động này?

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân: Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) là tòa án quốc tế thường trực được thành lập để điều tra, truy tố và xét xử các cá nhân bị buộc tội phạm những tội ác nghiêm trọng nhất mà cộng đồng quốc tế quan ngại, cụ thể là tội diệt chủng, tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh.

Tuy nhiên, kể từ khi thành lập, Tòa án hình sự quốc tế đã phải đối mặt với sự chỉ trích từ nhiều bên và không thể thu hút được sự tham gia của các cường quốc, như Trung Quốc và Nga. Nhiều chính phủ các nước châu Phi phàn nàn rằng, các cuộc truy tố của Tòa án hình sự quốc tế đã nhắm vào châu lục này. Các chính quyền Mỹ gần đây đều cứng rắn với Tòa án hình sự quốc tế, mặc dù chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã áp dụng cách tiếp cận hòa giải hơn nhưng vẫn còn căng thẳng.

Đến nay, mới có 124 quốc gia tham gia Quy chế tòa án hình sự quốc tế (gọi tắt là Quy chế Rome). Khoảng 40 quốc gia chưa ký Quy chế này (như Ethiopia, Ấn Độ, Indonesia, Iraq, Triều Tiên, Ả Rập Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ...). Như vậy, không phải tất cả các thành viên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đều là thành viên của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC), cho nên tính đại diện chưa cao như Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Chúng ta tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, không đưa lực lượng đi phục vụ ý đồ của bất cứ ai, của bất cứ nước nào; không làm hại các nước bạn bè hay nước sở tại; không tham gia tìm kiếm, truy bắt “tội phạm chiến tranh” để giao nộp cho ICC. Nói cách khác là chúng ta không “mua dây để tự buộc mình”.

PV: Xin cảm ơn ông.

Hãy tôn trọng quyền công dân của ông Thích Minh Tuệ

[CAND] Thời gian gần đây, hiện tượng liên quan ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) tiếp tục gây ồn ào trên mạng xã hội. Mặc dù những thông tin lợ...