[CAND] Thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động gia tăng nhiều hoạt động tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước ta trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có nội dung xuyên tạc hoạt động quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Trong đó, các thế lực thù địch, các tổ chức phản động triệt để lợi dụng, tuyên truyền xuyên tạc cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 bằng luận điệu vu khống Đảng, Nhà nước ta né tránh, lãng quên, không quan tâm đến chính sách đối với thương binh, cựu binh, thân nhân liệt sĩ tham gia cuộc chiến đấu; xuyên tạc, kích động, chống phá Đảng, Nhà nước.
Nhận diện âm mưu, thủ đoạn của các thế lực xấu
Có thể nói rằng, lợi dụng vấn đề chủ quyền lãnh thổ, trong
đó có chủ quyền vê biên giới, biển, đảo nhằm xuyên tạc sự thật, kích động dư luận
và gây rối vốn là âm mưu quen thuộc của các thế lực thù địch. Như một chu kỳ, cứ
mỗi khi đến dịp kỷ niệm các sự kiện như cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía
Bắc (1979), trận hải chiến bảo vệ Trường Sa (1988)… các thế lực thù địch, các tổ
chức phản động kêu gọi trên các diễn đàn mạng xã hội hoạt động tụ tập đông người
tại những địa điểm công cộng như Bờ Hồ (Hà Nội); tượng đài Nguyễn Huệ (TP Hồ
Chí Minh) và một số thành phố lớn khác nhằm thực hiện các hành vi biểu tình,
gây rối trật tự công cộng. Thông qua các bài viết trên mạng xã hội, các đối tượng
sử dụng nhiều hình thức và thủ đoạn tinh vi, giảo hoạt, tung ra những thông tin
và tư liệu lịch sử sai lệch để đánh lừa dư luận.
Từ những luận điệu xuyên tạc về cuộc chiến bảo vệ biên giới
phía Bắc năm 1979 cho thấy âm mưu của các thế lực thù địch, các tổ chức phản động
là vu cáo đường lối của Đảng và Nhà nước ta trong đảm bảo chủ quyền, biên giới
quốc gia như kết quả phân giới cắm mốc giữa Việt Nam với các nước có chung đường
biên giới; chia rẽ mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước láng giềng, từ đó tạo
nên môi trường xã hội, chính trị bất ổn để dễ bề thực hiện mưu đồ chống phá. Các
đối tượng viết bài xuyên tạc Việt Nam nhượng đất cho nước láng giềng, lấy cớ
kích động tâm lý bất bình trong nhân dân; bịa đặt Việt Nam xâm chiếm đất của nước
láng giềng nhằm phá hoại tiến trình phân giới cắm mốc của nước ta với các nước
Trung Quốc, Lào và Campuchia. Từ đó các đối tượng trên rêu rao rằng, lãnh đạo Đảng,
Nhà nước “nhu nhược, hèn yếu” nên không có những động thái kiên quyết để bảo vệ
chủ quyền quốc gia; thậm chí chúng còn trắng trợn bịa đặt rằng, lãnh đạo Đảng,
Nhà nước im lặng vì đã thỏa hiệp với nước ngoài thao túng chủ quyền của nước
ta…
Lực lượng Công an vũ trang dũng cảm chiến đấu tại khu vực Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh tư liệu |
Bên cạnh đó, lợi dụng các vấn đề liên quan đến chủ quyền
biên giới, các thế lực thù địch, các tổ chức phản động ra sức xuyên tạc chính
sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, quan hệ giữa
các dân tộc, bôi nhọ chủ trương phát triển kinh tế-xã hội. Chúng cho rằng việc
phát triển các dự án kinh tế là nguyên nhân đẩy đồng bào các dân tộc lâm vào
tình cảnh khốn khó, mất nguồn sinh kế, vì thế đời sống bà con luôn thiếu thốn,
khó khăn. Chúng còn kích động mâu thuẫn giữa các dân tộc và xuyên tạc người
Kinh đã lấy đất, phá rừng, gây khó khăn cho đồng bào các dân tộc trong phát triển
kinh tế-xã hội, qua đó nhằm phá hoại khối đoàn kết dân tộc, làm suy yếu sức mạnh
của quân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để thực hiện âm mưu thâm độc trên, các thế lực thù địch, các
tổ chức phản động đã triệt để tận dụng tối đa các phương tiện truyền thông xã hội,
các diễn đàn, nhất là triệt để lợi dụng một số văn nghệ sĩ, trí thức bất mãn,
có quan điểm chính trị lệch lạc để ngấm ngầm cài cắm, tán phát những quan điểm
sai trái, phản động về chủ quyền lãnh thổ. Càng nguy hiểm hơn khi nhiều đối tượng
lợi dụng vấn đề chủ quyền lãnh thổ, trong đó có chủ quyền biên giới đất liền,
chủ quyền biển, đảo để kích động, kêu gọi người dân “xuống đường” thể hiện lòng
yêu nước, từ đó gây mất an ninh, trật tự xã hội và kiếm cớ để tiếp tục chống
phá. Một thực tế khác cần nhìn nhận, đó là trong khi đa số người dân nhận thức
đúng đắn về quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong bảo vệ chủ
quyền lãnh thổ quốc gia, gần như “miễn nhiễm” với những luận điệu xuyên tạc, hồ
đồ và cũ rích ấy thì vẫn còn không ít người "sập bẫy". Sự thiếu nhận
thức hoặc nhận thức lệch lạc về chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà
nước khiến số này chưa kịp chắt lọc thông tin đúng-sai trên mạng xã hội.
Lịch sử dựng nước, giữ nước đã chứng minh lòng yêu nước nồng
nàn của dân tộc Việt Nam. Khi chủ quyền lãnh thổ quốc gia đứng trước những
thách thức hoặc bị xâm phạm, người dân đặc biệt quan tâm, thường xuyên dõi theo
những thông tin liên quan và có các ý kiến thể hiện quan điểm. Lợi dụng tâm lý
này, các thế lực thù địch, các tổ chức phản động đã đưa ra những thông tin sai
sự thật hòng bẻ lái dư luận, kích động người dân nhằm xuyên tạc đường lối, chủ
trương của Đảng, Nhà nước, chia rẽ mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Cùng với việc phê phán các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền
Việt Nam, các đối tượng xấu cũng tìm cách quy chụp lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta
"phản ứng chậm" hoặc "né tránh, không dám đối đầu, để chủ quyền
lãnh thổ quốc gia bị đe dọa”. Bằng luận điệu xuyên tạc, đả kích, các thế lực xấu
hòng làm lòng dân bất an, dần mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước.
Sự thật phản bác những luận điệu xuyên tạc
Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không bao giờ lãng quên cuộc
chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 cũng như các sự kiện có liên quan
đến chủ quyền biên giới, lãnh thổ. Cuộc chiến đấu chính nghĩa này là một trong
những trang sử oanh liệt của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là chủ trương nhất quán
đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta nhiều lần khẳng định.
Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn quan tâm đến chính sách đối
với những người có công trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm
1979. Phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, Đảng, Nhà nước
và các đoàn thể xã hội đặc biệt quan tâm đến các thương binh, thân nhân các gia
đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, trong đó có các cựu chiến binh,
thân nhân các liệt sĩ trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979.
Sự thật, không có sự phân biệt về chế độ, chính sách dành cho các cựu chiến
binh, thân nhân các liệt sĩ trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc với
cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ trong các cuộc chiến tranh khác để bảo vệ Tổ
quốc. Các cựu chiến binh tham gia chiến dịch biên giới phía Bắc còn được hưởng
các chế độ theo Quyết định số 62/2011/QĐ TTg, ngày 9/11/2011 về chế độ, chính
sách đối với người làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày
30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc. Hiện nay, chế độ, chính sách đối với
cựu chiến binh nói chung được thực hiện theo Pháp lệnh Cựu chiến binh và Nghị định
hướng dẫn thi hành.
Trong nhiều năm qua, thông tin về cuộc chiến bảo vệ biên giới
phía Bắc được thể hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Để tưởng nhớ
công lao các anh hùng liệt sĩ trong cuộc chiến đấu ba vệ biên giới phía Bắc,
nhiều địa phương trong cả nước và ở các tỉnh biên giới phía Bắc đã phối hợp với
các ban, ngành Trung ương, đoàn thể xây đài tưởng niệm, tôn tạo nghĩa trang liệt
sĩ như xây dựng và nâng cấp Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên thành nghĩa trang quốc
gia; tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; lấy tên một số liệt sĩ để đặt tên đường
phố, trường học... Nhân dịp kỷ niệm 40 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc,
ngày 15/2/2019, tại Hà Nội, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với
Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Cuộc chiến đấu
bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc – 40 năm nhìn lại". Hội thảo có sự
tham gia của các đại biểu là các nhà khoa học, giảng viên đến từ các ban, bộ,
ngành Trung ương và địa phương, viện nghiên cứu và trường đại học uy tín trong
cả nước. Đặc biệt, có sự tham dự của các nhân chứng, cựu quân nhân đã từng tham
gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
Cùng với đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dâng hương tại các
nghĩa trang liệt sĩ và thăm hỏi, động viên cựu chiến binh, thương binh từng
tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc 1979. Ngày 26/1/2023, Thủ tướng
Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Trung ương đã dâng hương tại Khu tưởng niệm
các Anh hùng liệt sĩ Pò Hèn; thăm, chúc Tết, tặng quà công nhân lao động, lực
lượng biên phòng, các lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ, đồng bào dân tộc,
hộ nghèo tại vùng đất biên cương này của Tổ quốc. Ngày 8/5/2023, Thủ tướng Phạm
Minh Chính đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa
trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên. Trước đó, ngày 13/07/2022, tại Phủ Chủ tịch,
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các đại biểu Ban liên lạc Hội Cựu chiến
binh toàn quốc mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Hội
Cựu Chiến binh toàn quốc mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên (14/7/2016 14/7/2022).
Ngay những ngày đầu Xuân Giáp Thìn 2024, với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, ngày
17/2/2024, đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch
nước đã đến dâng hoa, thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa
trang liệt sỹ Vị Xuyên và Đền thờ các anh hùng liệt sĩ trên điểm cao 468, xã
Thanh Thủy.
Như vậy, thực tế không có chuyện Đảng, Nhà nước, nhân dân ta
né tránh, lãng quên cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979; không
có chuyện không quan tâm chế độ, chính sách đối với thương binh, gia đình liệt
sĩ, người có công trong cuộc chiến như luận điệu của các thế lực xấu. Đất nước
Việt Nam đã trải qua những năm tháng chiến tranh, mất mát, đau thương, nay đang
trong quá trình xây dựng, phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng trên mọi lĩnh vực
đời sống xã hội. Hơn lúc nào hết, Đảng, Nhà nước ta luôn mong muốn nhân dân ta
và người Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài cùng đoàn kết, nhất
trí, chung sức, chung lòng, biến lòng yêu nước thành hành động thiết thực, cụ
thể, đóng góp xây dựng và kiến thiết vì một Việt Nam hòa bình, ổn định, phát
triển.
Liêm Chính - Bình Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét