Trong khi cả hệ thống chính trị cùng toàn dân
đã, đang ra sức nỗ lực chống dịch thì một số tổ chức, đối tượng phản động, cơ
hội chính trị tiếp tục lợi dụng đại dịch COVID – 19, sử dụng “truyền thông đen”
để chống phá Việt Nam, gây chia rẽ đoàn kết dân tộc, tìm cách hạ uy tín của Việt
Nam trên trường quốc tế.
Ảnh minh họa |
Nhận diện chiêu trò “truyền thông đen”
Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị ráo
riết đăng tải, phát tán thông tin xấu độc, sai sự thật về công cuộc phòng,
chống dịch COVID -19 của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Nội dung tuyên truyền
được các đối tượng dàn dựng công phu, tỉ mỉ, thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo
quyệt. Họ tận dụng triệt để mặt trái của truyền thông cùng với tính năng lan
tỏa nhanh, độ tương tác rộng của mạng xã hội để đưa ra nhiều bài viết, hình
ảnh, video xuyên tạc công tác phòng, chống COVID -19 ở nước ta nhằm đánh lạc
hướng dư luận, nói xấu Đảng, chính quyền, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân
tộc, tạo ra tâm lý hoài nghi, bi quan, mất niềm tin của nhân dân đối với hệ
thống chính trị. Điển hình của hoạt động “truyền thông đen” trên mạng xã hội
phải kể đến những tổ chức, hội nhóm như Việt Tân, Hội Anh em dân chủ, Nhật ký
yêu nước; các đài VOA, RFA…
Họ thêu dệt thông tin như: Việt Nam đối diện
khủng hoảng kinh tế, xã hội toàn diện, chỉ biết phong tỏa mặc dân sống chết ra
sao. Họ tự cho mình là các nhà “dân chủ”, “nhân quyền” đại diện cho nhân dân
đưa ra lời đe dọa “Chính phủ không nên giỡn mặt với dân”; vu khống “CSVN ăn
cháo, đá bát” sau khi nhận viện trợ vaccine từ Hoa Kỳ; tung tin sai trái gây
hoang mang dư luận “Việt Nam, cơn ác mộng chỉ mới bắt đầu”; quy chụp “cách
chống dịch của Đảng làm COVID -19 lây lan ngày càng nhiều”, “không hỗ trợ cứu
đói cho dân mà còn tận thu vơ vét tiền của dân”... Hàng loạt trang mạng xấu độc
đưa ra những hình ảnh sai sự thật về số người tử vong, đưa hình ảnh cắt ghép từ
nước ngoài về hàng loạt bệnh nhân COVID – 19 tử vong để gieo rắc tâm lý hoang
mang, khủng hoảng trong xã hội.
Bên cạnh đó, các đối tượng phản động lợi dụng
cuộc sống của người lao động nghèo là những đối tượng dễ bị tổn thương trong
giai đoạn giãn cách để tung tin bịa đặt, làm giảm sự chung tay, đồng lòng của
người dân với các biện pháp phòng chống dịch bệnh mà chính quyền đang thực
hiện. Thâm hiểm hơn, ngoài những thông tin méo mó, kích động, họ còn tung ra
những video tin tức hay phỏng vấn ý kiến của những người lao động nghèo chưa
được nhận hỗ trợ từ chính quyền để bóp méo, vu khống rằng “không thấy Đảng giúp
dân”, “người nghèo không được hỗ trợ”, “chỉ có dân giúp dân, không thấy chính
quyền đâu”…
Đặc điểm chung của hoạt động “truyền thông
đen” là bác bỏ, phủ nhận các chủ trương, chính sách chống dịch của Đảng, Nhà
nước; đồng thời, cố tình bôi đen các lực lượng đang ngày đêm quên mình chống
dịch như: Lực lượng Y tế, lực lượng Công an, Quân đội. Số này còn tìm cách kêu gọi,
kích động người dân không thực hiện các quy định trong phòng, chống dịch.
Trước vấn nạn “truyền thông đen”, không chỉ
người dân trong nước mà nhiều người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại
Việt Nam cũng như các chuyên gia quốc tế đã phản đối những quan điểm méo mó,
sai lệch trên và bày tỏ sự tin tưởng vào chính sách, quy định chống dịch của
Việt Nam.
Tuy nhiên, trước những hoạt động của “truyền
thông đen” và những khó khăn, trở ngại do dịch gây ra, cũng đã có một số người
dân không tỉnh táo, mất bình tĩnh, rơi vào cái bẫy của các đối tượng phản động,
vô tình trở thành “con bài” trong các hoạt động chống phá của họ. Cụ thể, những
ngày gần đây, trên mạng xã hội lan truyền bức ảnh với nội dung “Đây là các bệnh
nhân tử vong vì COVID -19 tại TP Hồ Chí Minh”. Nhiều người đã chia sẻ hình ảnh
này, bình luận, gây hoang mang trong dư luận. Tuy nhiên, đây chỉ là tin giả.
Trước sự việc trên, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền
thông khẳng định bức hình này được ghi nhận tại Indonesia, không phải ở Việt
Nam. Cơ quan chức năng đang vào cuộc làm rõ để xử lý theo quy định của pháp
luật.
Bên cạnh đó, một số cá nhân trong nước với
động cơ vụ lợi đã đưa tin thất thiệt, nhiều đối tượng trên được cơ quan chức
năng phát hiện, xử lý theo quy định của pháp luật. Ngày 13/5, Công an tỉnh
Quảng Bình đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Hồ Thị Minh H
(sinh năm 1983, trú tại tổ 1, tổ dân phố 6, Bắc Lý, TP Đồng Hới) và ông Nguyễn
Xuân N (sinh năm 1984, trú tại thôn 9, Lộc Ninh, TP Đồng Hới) với số tiền 10
triệu đồng về hành vi đưa tin không chính xác về tình hình dịch bệnh truyền
nhiễm.
Chiều 14/7, Phòng An ninh mạng và phòng, chống
tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Cần Thơ phối hợp với Thanh tra Sở
Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ đã mời Tô Thùy D (sinh năm 1990, trú tại
quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) và Trương Thị Tú Q (sinh năm 1990, trú tại quận
Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đến làm việc, làm rõ hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông
tin bịa đặt, sai sự thật trên mạng xã hội” có liên quan đến tình hình dịch
COVID-19 trên địa bàn TP Cần Thơ, gây hoang mang dư luận.
Ngày 9/7, Công an huyện Thống Nhất, Đồng Nai
đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính với tổng mức phạt là 25 triệu đồng đối
với Phạm Văn Th (sinh năm 2001, trú tại ấp Gia Yên, xã Gia Tân 3) và Trần Thị
Ánh Th (sinh năm 1991, trú tại ấp Võ Dõng 1, xã Gia Kiệm) đăng tải trên trang
Facebook cá nhân của mình không đúng sự thật về dịch bệnh COVID - 19 tại xã Gia
Tân 3 với nội dung “Một ca dương tính test ngày 5/7 gần cầu Ông Hoàng đã được đem
đi cách ly”.
Những thông tin sai sự thật của những người cố
ý hay vô ý được đăng tải, phát tán trên mạng xã hội thời gian qua có nhiều
nguyên nhân, bên cạnh sự tác động từ chiêu trò “truyền thông đen” của các đối
tượng phản động, thù địch còn đến từ sự thờ ơ, thiếu hiểu biết, thiếu trách
nhiệm, vụ lợi cá nhân của một số người dân đối với công cuộc chống “giặc
COVID-19” của dân tộc.
Đấu tranh với “truyền thông đen”
Truyền thông có ảnh hưởng rất lớn đến mọi vấn
đề của xã hội. Truyền thông tác động đến nhận thức của công chúng, từ nhận thức
sẽ tác động đến hành động và ứng xử của công chúng. Truyền thông có tính chất
hai mặt, nếu sử dụng đúng sẽ có hiệu quả tích cực trong công cuộc chống dịch
COVID -19, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống nhân
dân, nhưng nếu sử dụng sai sẽ là trở lực rất lớn, gây mất an ninh chính trị,
trật tự an toàn xã hội, làm tổn hại đến sự phát triển của đất nước. Truyền
thông các thế lực thù địch, phản động cơ hội chính trị đang sử dụng là một loại
“truyền thông đen”. Loại truyền thông này cần phải được nhận diện, đấu tranh và
loại bỏ.
Theo đó, đối với công tác truyền thông trong
nước phải đi trước một bước, tiếp tục phát huy những kết quả đã làm được, tuyên
truyền sâu rộng, kịp thời, đầy đủ, chính xác mọi chủ trương, chính sách, chỉ
thị, quy định về phòng, chống dịch COVID -19 đến từng cấp, ngành và nhân dân.
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng về những khó khăn, diễn biến phức
tạp của dịch COVID -19 và vạch trần âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực
thù địch, cơ hội chính trị. Qua đó, tạo sự đồng thuận xã hội, đoàn kết, quyết
tâm cao nhất với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Đối với các cơ quan chức năng kịp thời phát
hiện, xử lý nghiêm các trường hợp đăng tải, phản ánh thông tin sai sự thật,
thất thiệt theo quy định của pháp luật.
Đối với người dân, cần quán triệt và chấp hành
tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nói chung và công tác phòng,
chống dịch COVID-19 nói riêng. Việc tiếp cận luồng thông tin phải chính thống,
đăng tải các thông tin trên mạng xã hội phải theo quy định pháp luật và cảnh
giác với chiêu trò lợi dụng của các thế lực thù địch, không để bị lôi kéo, kích
động.
Lợi dụng dịch bệnh COVID-19 để chống phá, đó
là sự “ăn hôi” trên nỗi đau của đồng bào. Chống “giặc COVID-19” hay đấu tranh
với chiêu trò “truyền thông đen” của các thế phản động rất cần sự vào cuộc đồng
bộ, quyết liệt của các cấp, các ngành và mọi người dân. Sự đồng lòng trong đại
dịch sẽ là sức mạnh để chúng ta đứng vững trước mọi khó khăn, thử thách.
Chu Xuân Đại
Thắng - Báo điện tử CAND
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét