Vừa qua, bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được dư luận trong nước, quốc tế hoan nghênh và đánh giá rất cao. Ngược lại, những người theo chủ nghĩa chống cộng lại tỏ thái độ hậm hực, hằn học rất rõ trên các trang điện tử tiếng Việt, như: VOA, RFA, BBC…
Nội dung các quan điểm “phản biện” của họ vẫn là những luận điệu lâu nay các nhà tư tưởng chống cộng từng nói và nhiều lần bị dư luận bác bỏ, phê phán. Đại thể, họ gọi con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) của Việt Nam là “cuộc thí nghiệm vĩ đại”. Ở đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã “bắt dân tộc và nhân dân làm chuột bạch” vì CNXH chỉ là ảo tưởng; Chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ là “học thuyết sai lầm”; Đảng Cộng sản Việt Nam biết “lý thuyết đã thấy sai mà vẫn ứng dụng thì sẽ thảm bại”; “kinh tế thị trường” thì không bao giờ “định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN)” được…
Những luận điệu như vậy, cùng thủ đoạn bôi đen hiện thực, thổi phồng khuyết điểm, hạn chế, hạ thấp thành tựu sự nghiệp đổi mới của Việt Nam, so sánh khập khiễng về điều kiện kinh tế của nước ta với các nước tư bản phát triển; xuyên tạc, vu cáo chế độ chính trị của Việt Nam… được tung ra qua nhiều bài viết, truyền bá vào đúng lúc nhân dân ta đang quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu các vấn đề xoay quanh bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trở thành một thứ thông tin rất độc hại, gieo rắc hoang mang, nghi ngờ, hòng làm nhân dân phân tâm, mất niềm tin vào chủ trương, đường lối của Đảng.
Với tinh thần khoa học, bài viết này xin phép công khai luận điệu của các nhà tư tưởng chống cộng để phân tích rõ tính chất xuyên tạc, phản động của các luận điệu đó.
Ảnh minh hoạ |
Một là, những người chống cộng cho rằng Chủ nghĩa Mác-Lênin là “học thuyết sai lầm”. Thật là cổ hủ, ngông cuồng và liều lĩnh khi dám nói như vậy. Từ khi Mác-Ăngghen (Marx-Engels) công bố những công trình nghiên cứu của mình đến nay đã hơn 170 năm, các lý luận gia tư sản thâm thù, chống đối học thuyết Mác rất quyết liệt nhưng không ai có thể phủ nhận ông là một nhà khoa học thiên tài. Ngay vào thời điểm này, khi đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới, những phân tích của Mác về mâu thuẫn vốn có trong lòng xã hội tư bản lại thêm một lần được khẳng định thì bộ sách “Tư bản” của Mác và những cuốn sách có liên quan đang là sách bán chạy nhất ở Nhật Bản.
Đài Truyền hình NHK (Nhật Bản) đưa tin, chỉ riêng cuốn sách phân tích về “Tư bản luận” của Phó giáo sư Kohei Saito thuộc Đại học Osaka, xuất bản cuối năm 2020, đến nay đã bán được 300.000 bản. Hiện tượng này khiến chúng ta lại nhớ cuối năm 2008, khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, bộ sách “Tư bản” của Mác bán chạy gấp 3 lần bình thường trên thị trường các nước phát triển như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Italy…
Rõ ràng, mỗi khi thế giới gặp khủng hoảng, các nhà nghiên cứu lại tìm đến học thuyết của Mác để mong tìm giải pháp. Các nhà khoa học nổi tiếng của thế giới đều khẳng định rằng, học thuyết của Mác là sản phẩm kế thừa những học thuyết tiến bộ và tốt đẹp của loài người. Đó là triết học Đức, kinh tế chính trị học Anh và CNXH Pháp. Nhà triết học hậu hiện đại nổi tiếng người Pháp Jacques Derrida khẳng định: “Mác là nhà tư tưởng của thế kỷ 21”. Vậy mà, những người chống cộng vẫn cứ “leo lẻo” rằng, Chủ nghĩa Mác-Lênin là “sai lầm”.
Tại sao những người cộng sản trên khắp thế giới đều tự hào nói rằng, Chủ nghĩa Mác-Lênin là học thuyết cách mạng hoàn chỉnh, trong đó tính chất khoa học rất cao thống nhất với tinh thần cách mạng triệt để. Về triết học, Mác-Ăngghen và sau đó là Lênin đã bảo vệ và phát triển triết học duy vật, sáng tạo ra triết học duy vật biện chứng và triết học duy vật lịch sử, cung cấp cho nhân loại một thế giới quan hoàn bị để nhận thức và cải tạo thế giới.
Đặc biệt, chủ nghĩa duy vật lịch sử của Mác đã phát hiện ra quy luật của sự phát triển xã hội và tính tất yếu của sự chuyển biến từ hình thái kinh tế-xã hội này sang hình thái kinh tế-xã hội khác cao hơn. Về kinh tế chính trị học, Mác-Ăngghen đã tìm ra quy luật giá trị thặng dư, phát hiện ra phương thức bóc lột tư bản chủ nghĩa, luận chứng một cách khoa học về sự diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản và sự thắng lợi tất yếu của CNXH.
Về CNXH khoa học, Lênin khẳng định: “Sau khi nghiên cứu quy luật phát triển của xã hội loài người, Mác đã hiểu rằng chủ nghĩa tư bản phát triển tất nhiên sẽ đưa đến chủ nghĩa cộng sản và-đây là điều căn bản-khi chứng minh chân lý đó, Mác chỉ dựa vào việc nghiên cứu xã hội tư bản đó một cách chính xác nhất, tỉ mỉ nhất, sâu sắc nhất, nhờ việc nắm vững đầy đủ tất cả những cái mà khoa học trước đây đã cung cấp”(1).
Với tư cách là người kế thừa, bảo vệ và phát triển Chủ nghĩa Mác-Ăngghen trong thời kỳ “chủ nghĩa đế quốc và cách mạng vô sản”, Lênin đã làm việc với nghị lực phi thường và tinh thần khoa học cao cả. Dù cho các nhà tư tưởng chống cộng ra sức xuyên tạc, phỉ báng thì cũng không che lấp được sự thật là các tác phẩm của Lênin đã được đọc nhiều nhất trên thế giới, hơn bất kỳ đại văn hào nào trên bình diện toàn cầu, được dịch ra hơn 120 thứ tiếng theo thống kê của UNESCO.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Giá trị bền vững của Chủ nghĩa Mác-Lênin chính là ở sự chân xác về khoa học, ở tính toàn diện, tính hệ thống, tính biện chứng của nó nhằm mục đích giải phóng người lao động, giải phóng xã hội khỏi mọi ách áp bức, bóc lột, mọi sự tha hóa, thực hiện một xã hội công bằng, nhân đạo… Cho dù có những kẻ cố tình bóp méo, xuyên tạc thì Chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn cứ là Chủ nghĩa Mác-Lênin, vẫn có sức sống dẻo dai và giá trị bền vững, xanh tươi của nó”(2).
Hai là, vấn đề kết hợp “kinh tế thị trường” với “định hướng XHCN”. Các nhà tư tưởng chống cộng cho rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đảng ta cố gắn cái đuôi “định hướng XHCN” vào “kinh tế thị trường”. Theo họ, điều đó chỉ là “sự gán ghép lấy được để mị dân”, sẽ đi vào ngõ cụt, không bao giờ làm được.
Trước hết, có thể thấy rõ đó là những luận điệu rất trơ trẽn. Ngay từ thời điểm Đại hội VI (1986), khi Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới, chủ trương chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng XHCN thì các nhà tư tưởng chống cộng đã tung ra nhiều bài viết cho rằng, sự nghiệp đổi mới của Việt Nam sẽ thất bại thảm hại vì “đổi mới nửa vời”, gán ghép “cơ chế thị trường” với “định hướng XHCN” thì chỉ đi vào ngõ cụt.
Nay sau 35 năm đổi mới thì sao? Từ thu nhập bình quân đầu người 100USD/người vào năm 1986, đến năm 2020 là 3.500USD/người, tăng gấp 35 lần; Việt Nam được bầu chọn là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(3).
Tiện đây, xin được nhắc lại, trong lịch sử nhân loại, thị trường trao đổi hàng hóa đã ra đời và tồn tại hàng nghìn năm trước khi chủ nghĩa tư bản ra đời. Trước đây, chính những người cộng sản, chứ không phải các nhà tư tưởng chống cộng, cho rằng kinh tế thị trường không thể tương dung với CNXH. Nhưng với tinh thần đổi mới, xem xét vấn đề theo quan điểm “khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể, phát triển” của Chủ nghĩa Mác-Lênin, những người cộng sản đã nghiên cứu kỹ lưỡng và rút ra kết luận, kinh tế thị trường không phải là sản phẩm của riêng chủ nghĩa tư bản.
Đó là thành quả quan trọng của sự phát triển lâu dài trong nền văn minh nhân loại từ khi nó xuất hiện chứ không phải là của riêng hoặc là độc quyền của một hình thái kinh tế-xã hội nào. Chính Mác là người phát hiện ra rằng, kinh tế thị trường có bước phát triển vượt bậc trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa vì “lợi nhuận là quy luật tuyệt đối của phương thức sản xuất này”. Phương thức này tuy thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động nhưng nó gây ra những hệ lụy kinh hoàng về mặt xã hội, nhất là bất công xã hội; dù nhà nước tư sản có giỏi xoa dịu đến mấy cũng không thể khắc phục tận gốc vấn đề.
Với nhận thức mới, những người cộng sản đã vận dụng quy luật của kinh tế thị trường phục vụ sự nghiệp xây dựng CNXH. Ở nước Nga, từ năm 1921, “Chính sách kinh tế mới” của Lênin được xây dựng trên cơ sở tuân theo nguyên tắc thị trường và đã thu được nhiều thành tựu. Rất tiếc là do nhiều lý do khác nhau, chính sách kinh tế mới của Liên Xô thời kỳ “hậu Lênin” đã không được duy trì.
Ở Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới. Theo nhận thức của chúng ta, kinh tế thị trường định hướng XHCN là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”.
Những thành tựu không thể phủ nhận được của Việt Nam trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và giá trị bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xin được đề cập bằng những ý kiến khách quan của các học giả, chuyên gia quốc tế. GS, TSKH Vladimir Kolotov (Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg, Liên bang Nga) cho rằng: “Chủ nghĩa tư bản có điểm mạnh là cạnh tranh và đạt được thành tựu đáng kể về phát triển khoa học-kỹ thuật và xã hội. Việt Nam đang sử dụng rất tốt điều đó nhằm bảo đảm lợi ích và phát triển của mình. Điều đáng nói, các lợi ích kinh tế được phân bổ một cách đồng đều nhất giữa các tầng lớp xã hội. Đây là sự độc đáo của một Việt Nam hiện đại. Con đường đi lên CNXH ở Việt Nam có sự chắt lọc hoàn hảo những điều tinh túy nhất của chủ nghĩa tư bản. Bài viết của Tổng Bí thư (Nguyễn Phú Trọng-TG) đã giải thích khúc chiết tại sao trong bối cảnh hiện nay lại mang tính ưu việt nhất”.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam nhấn mạnh: “Việt Nam ứng phó với đại dịch Covid-19 bằng việc đặt người dân vào vị trí trung tâm và trước hết. Việt Nam đã thành công hơn các nước khác trong cuộc chiến khó khăn này. Chúng tôi rất vui mừng khi được biết sự cam kết mạnh mẽ từ cấp lãnh đạo cao nhất của Việt Nam như vậy; luôn đặt người dân vào vị trí trung tâm của sự phát triển và không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Bà Mimi Vũ, một người Mỹ gốc Việt thì cho rằng: “Việt Nam đang được thế giới ghi nhận nhiều hơn không chỉ vì thành tích phòng, chống dịch Covid-19 mà còn vì thành tích phát triển kinh tế và thu hút đầu tư. Đó chính là sự khẳng định rõ ràng nhất về tính ưu việt của chế độ XHCN ở Việt Nam. Chúng ta thực sự đã có con đường đi riêng của mình và đang mạnh mẽ tiến lên phía trước. Vậy nên nhiều kiều bào nhìn vào điều đó và nhận ra những cơ hội thực sự tốt lành ở đây”.
Như vậy, cái mà các nhà tư tưởng chống cộng gọi là “cuộc thí nghiệm vĩ đại”, còn những người cộng sản và nhân dân Việt Nam gọi là công cuộc đổi mới, trải qua cuộc hành trình 35 năm đã có những câu trả lời rất rõ ràng. Việt Nam chẳng những không lâm vào ngõ cụt mà đang từng ngày, từng giờ hiện thực hóa khát vọng hùng cường. Các chuyên gia kinh tế thế giới khẳng định, nếu giữ được sự ổn định chính trị và tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình như 35 năm qua thì không có điều gì cản trở Việt Nam trở thành nước phát triển theo định hướng XHCN vào giữa thế kỷ 21. Với những người mang tư tưởng chống cộng, các vị hành nghề tung luận điệu chống đối, phủ nhận Việt Nam thì cứ việc, nhưng đã 35 năm rồi mà vẫn chỉ biết nhai đi, nhai lại hai từ “ngõ cụt” thì e rằng chính các vị mới là người đang lâm vào “ngõ cụt”.
HỒNG HẢI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét