Song, tất cả những lời lẽ phản động và rất bông phèng đó chẳng có nghĩa gì trước một chân lý mà mỗi người Việt Nam yêu nước đều nằm lòng: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Điều đó không chỉ được minh chứng bằng lịch sử chung tay dựng nước, giữ nước của toàn dân tộc mà còn là ý chí quyết tâm từ Bắc vào Nam xây dựng một nước Việt Nam thống nhất, độc lập, hùng cường.

Ảnh: Xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng dinh Độc Lập


Lịch sử đã chứng minh, sau khi không thực hiện được dã tâm xâm lược, biến cả nước Việt Nam thành thuộc địa, từ giữa thế kỷ 20, thực dân, đế quốc đã chia cắt Việt Nam thành hai miền Nam-Bắc và thành lập bộ máy tay sai tại miền Nam để dễ bề cai trị. Song trước ý chí quật cường không để đất nước bị chia cắt của toàn dân tộc Việt Nam, âm mưu của chúng bị phá sản. Dấu mốc lớn nhất là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giành thắng lợi hoàn toàn vào ngày 30-4-1975, đập tan ngụy quân, ngụy quyền tay sai và âm mưu của quân xâm lược, non sông Việt Nam thu về một mối. Từ đó, cả nước Việt Nam ta đã coi ngày 30-4 là Ngày chiến thắng, ngày hội thống nhất non sông. Nhân dân Việt Nam không kể người Kinh hay người dân tộc thiểu số, miền núi hay miền biển, trong Nam hay ngoài Bắc đều phấn khởi, đoàn kết, chung sức khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng đất nước Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, chung tay dựng xây đất nước, Việt Nam đã và đang có sự phát triển về mọi mặt; "đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay". Các nước trên thế giới cũng hướng về đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, hữu nghị với sự nể phục và yêu mến. Việt Nam với tinh thần nhân văn cao cả, sẵn sàng gác lại quá khứ, hướng tới tương lai tươi sáng, ngay cả những quốc gia từng ở “bên kia chiến tuyến” cũng đã quay lại thiết lập mối quan hệ ngoại giao gắn bó, hợp tác với Việt Nam từ nhiều năm qua.

Thực tế đó đã làm lu mờ “luận điệu tháng Tư” của các thế lực thù địch, năm nào cũng phát lại những "cuốn băng phản động" cũ rích, lỗi thời. Luận điệu của chúng sẽ không bao giờ làm lay chuyển được ý chí hòa bình, thống nhất đất nước của người dân đất Việt bởi đồng bào cả nước đều hiểu rõ giá trị của Chiến thắng 30-4-1975, hiểu rõ nỗi đau chiến tranh và sự chia cắt đất nước. Với dân tộc Việt Nam, kỷ niệm Ngày Chiến thắng 30-4 là dịp ôn lại lịch sử truyền thống hào hùng của toàn dân tộc, thấm hơn giá trị của đất nước thống nhất, hòa bình, từ đó phát huy tinh thần đại đoàn kết để nỗ lực phấn đấu, tiếp tục thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chứ không phải là dịp để kích động hận thù, chia rẽ đoàn kết. Cho nên, luận điệu đòi “Việt Nam không nên kỷ niệm 30-4 nếu muốn hòa hợp dân tộc” nêu trên chính là sự kích động hận thù-âm mưu đen tối của các thế lực thù địch mà mỗi người cần cảnh giác nhận diện để không mắc phải mưu hèn, kế bẩn của những kẻ muốn chia rẽ khối đại đoàn kết, thống nhất của toàn dân tộc Việt Nam.

DUY VĂN