Càng đến gần ngày khai mạc Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các thế lực thù địch và những phần tử phản động càng đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Một trong
những luận điệu đó là phủ nhận cụm từ “phát triển kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa” trong dự thảo văn kiện đại hội. Họ cố tình "nhắm
mắt" trước thực tiễn 35 năm đổi mới đã khẳng định phát triển kinh tế thị
trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) là sự lựa chọn đúng đắn của
Việt Nam.
Ảnh minh họa/vov.vn |
Không phải là khái niệm mơ hồ
Cách đây mấy năm, một số người tự xưng là “nhà nghiên cứu”, “nhà khoa
học”, “nhà dân chủ” đã phát biểu trên một số tờ báo nước ngoài, trang
mạng xã hội rằng “KTTT" và XHCN khác nhau như nước với lửa, như ngày với
đêm, hoàn toàn đối lập nhau”; “KTTT là phủ định của XHCN và ngược lại”...
Gần đây những người này lên diễn đàn “góp ý” vào dự thảo văn kiện Đại hội XIII
của Đảng, cũng vẫn luận điệu ấy nhưng lại “bổ sung thêm vấn đề mang tính lý
luận” rằng "KTTT định hướng XHCN là khái niệm mơ hồ” vì thế họ “kiến nghị
không nên để cụm từ KTTT định hướng XHCN trong văn kiện Đại hội XIII”.
Không hiểu những người nói trên “nghiên cứu” những gì nhưng xem họ phát biểu
thì những người có hiểu biết chút ít về kinh tế thì cũng cảm nhận được sự mơ hồ
của họ. Bởi lẽ KTTT là sản phẩm của văn minh nhân loại. Chủ nghĩa tư bản đã lấy
KTTT làm cơ sở cho sự tồn tại, vận động, phát triển của mình. KTTT đã trải qua
nhiều giai đoạn biến đổi thăng trầm, tiến hóa theo thời gian cùng với sự phát
triển của lực lượng sản xuất và các quan hệ kinh tế, dưới tác động của cách
mạng khoa học-kỹ thuật. Trong những năm gần đây, dựa theo những nét khác biệt
và tương đồng, người ta đã chia các mô hình kinh tế thị trường đang vận
hành trên thế giới thành nhiều nhóm, tiêu biểu là mô hình thể chế KTTT tự
do (Mỹ, Anh...); mô hình thể chế KTTT xã hội (Đức, Thụy Điển ...); mô hình thể
chế KTTT nhà nước phát triển (Nhật Bản, Hàn Quốc...); mô hình thể chế KTTT định
hướng XHCN như ở Việt Nam....
Tại Việt Nam, khái niệm KTTT định hướng XHCN được chính thức sử dụng trong các
văn kiện Đại hội IX của Đảng (tháng 4-2001); theo đó, “Đảng và Nhà nước ta chủ
trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển kinh tế hàng hóa
nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước
theo định hướng XHCN, đó chính là nền KTTT định hướng XHCN”. Đại hội lần thứ
XII của Đảng (tháng 1-2016) tiếp tục bổ sung, phát triển: “Nền KTTT định hướng
XHCN Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của
KTTT, đồng thời bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển
của đất nước. Đó là nền KTTT hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà
nước pháp quyền XHCN”.
Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại
hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục làm rõ thêm khái niệm KTTT định hướng XHCN
là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã
hội. Đó là nền KTTT hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo
các quy luật của KTTT, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng Cộng
sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng XHCN vì mục tiêu "dân giàu, nước
mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" phù hợp với từng giai đoạn phát triển
của đất nước. Nền KTTT định hướng XHCN Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu,
nhiều thành phần kinh tế, trong đó: Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh
tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư
nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng
được khuyến khích phát triển.
Như vậy không thể coi “KTTT định hướng XHCN” là khái niệm mơ hồ. Cũng phải nói
thêm rằng, trong thời gian gần đây ở các nước tư bản phát triển, dù ở mức độ
khác nhau, nhưng KTTT đều có định hướng xã hội. Đây là xu hướng tiến bộ, là
những mầm mống của CNXH trong lòng chủ nghĩa tư bản. Do tính chất của thời đại,
một nước kinh tế chưa phát triển, chưa qua giai đoạn phát triển TBCN, cũng có
thể quá độ lên CNXH. Kinh tế thị trường định hướng XHCN là mô hình kinh tế
trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở những nước này, sử dụng cả KTTT và cả kinh tế
TBCN để xây dựng nền tảng cơ sở vật chất cho CNXH.
Thực tiễn đã chứng tỏ sự lựa
chọn đúng đắn của Việt Nam
Trong “bầu trời u ám” kinh tế thế giới năm 2020, Việt Nam nổi lên như một điểm
sáng đáng ghi nhận và tự hào. Với tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 tăng
2,91% so với năm trước, Việt Nam thuộc nhóm nước có tăng trưởng cao nhất thế
giới. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và thiên tai gây hậu quả nặng nề thì đây
là thành công lớn của Việt Nam. Lý giải nguyên nhân dẫn đến thành công này,
nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, có nguyên nhân quan trọng từ mô hình thể chế
KTTT định hướng XHCN. Mô hình này tỏ rõ hiệu quả về khả năng tự chủ, tự cường,
phản ứng chính sách và phản ứng thị trường đồng bộ. Cùng với đó là sức chống
chịu và thành công trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19. Với
nguyên tắc quyền lực Nhà nước là tập trung, thống nhất đã giúp cho chính quyền
Trung ương có đủ sức mạnh và có đủ thẩm quyền để ban hành quyết định nhanh
chóng cho toàn hệ thống. Đây là một ưu thế rất lớn trong cuộc chiến chống dịch
khi chính quyền Trung ương được điều hành bởi những người có năng lực và quyết
đoán. Mô hình phân quyền của một số nước cho thấy việc ban hành các quyết định
cần thiết đã bị chậm trễ hơn nhiều. Mà chậm một ngày thôi dịch bệnh đã có thể
lây lan ra cộng đồng và vượt tầm kiểm soát. Chấp nhận hy sinh một số lợi ích
kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là quan điểm nhất quán của
Chính phủ Việt Nam. “Chúng ta đã thảo luận, cơ bản thống nhất: Chống dịch đồng
bộ, quyết liệt để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu
nhưng phải thúc đẩy, giữ vững phát triển kinh tế, giữ ổn định xã hội, kinh tế
vĩ mô, bảo đảm quốc phòng, an ninh”-Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu như
vậy tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 1-2020.
Có thể nói thể chế KTTT định hướng XHCN đã là cơ sở để Việt Nam hoàn thành mục
tiêu “kép”, vừa phòng, chống dịch thành công, vừa tập trung nguồn lực phát
triển kinh tế. Định hướng XHCN của nền KTTT được bảo đảm bởi vai trò quản lý
của Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, được thể hiện
ở hệ thống pháp luật, chính sách, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch để tạo ra
môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, thuận lợi, tạo động lực phát triển
kinh tế nhanh, bền vững.
BBC, hãng thông tấn xã quốc gia của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland
ngày 12-1-2021 đã khẳng định: “Việt Nam đã xử lý kiên quyết, chặt chẽ và ngay
từ đầu với đại dịch Covid-19, nhờ đó hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất. Như là
một thắng lợi kép, Việt Nam đã phát triển kinh tế trở lại trong khi thế giới
còn đầy rẫy khó khăn. Kết quả là, Việt Nam vượt qua Singapore và Malaysia để
vào tốp 4 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á, thậm chí Quỹ Tiền tệ quốc tế còn cho
rằng Việt Nam đã ở trong tốp 3, vượt qua Philippines về mức độ thịnh vượng, và
cả về tổng sản phẩm quốc nội thu nhập tính theo đầu người... Trung tâm Nghiên
cứu kinh tế Nhật Bản (JCER) còn dự báo với khả năng hồi phục và bật dậy nhanh
chóng sau dịch Covid-19, Việt Nam sẽ trở thành nước có thu nhập trung bình cao
vào năm 2023 và là nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á sau Indonesia vào năm
2035. Cũng là thời điểm Việt Nam sẽ vượt qua Đài Loan, theo JCER. Đấy không
phải là sự so sánh quá lạc quan. Điều mà chúng tôi thấy được là Việt Nam đã
không bị hụt hơi do hoàn cảnh và đó là tin tốt đối với một nền kinh tế vốn và
vẫn còn đang ở trình độ thấp”.
Nhờ phát triển KTTT định hướng XHCN mà từ một nền kinh tế nông nghiệp, lạc hậu,
quy mô nhỏ bé, với GDP chỉ 14 tỷ USD và GDP bình quân đầu người chỉ khoảng
250USD trong những năm đầu đổi mới, Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng đói
nghèo, chuyển sang thực hiện và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước. Kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, các
cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện đáng kể. Chất lượng tăng trưởng được
cải thiện. Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định. Tỷ trọng giá trị xuất
khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng từ 19%
năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp
(TFP) vào tăng trưởng tính chung 10 năm 2011-2020 đạt 39,0%. Tốc độ tăng năng
suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 là 5,8%/năm. Lạm phát cơ bản giảm
từ 13,6% năm 2011 xuống khoảng 2,5% năm 2020. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu
hàng hóa tăng 3,6 lần, từ 157,1 tỷ USD năm 2010 lên 543,9 tỷ USD năm
2020...
Những nhận định đánh giá của các tổ chức quốc tế, cơ quan thông tấn quốc tế và
các con số thống kê nói trên đã minh chứng cho hiệu quả của việc phát triển
KTTT định hướng XHCN của Việt Nam và khẳng định “lời khuyên” của những người
muốn Việt Nam đi chệch đường là không có cơ sở về thực tiễn.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Thực ra không phải bây giờ mà từ nhiều năm trước, các thế lực thù địch và các
phần tử cơ hội chính trị ở cả trong nước và nước ngoài thường xuyên chống phá
Đảng, Nhà nước, công cuộc đổi mới, sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc
XHCN của nhân dân ta. Chúng vẫn xuyên tạc rằng, không có nền kinh tế nào là nền
KTTT định hướng XHCN; KTTT, các quy luật của KTTT và định hướng XHCN là những
yếu tố đối lập nhau, loại trừ nhau; ghép định hướng XHCN vào KTTT là sự gán
ghép chủ quan, duy ý chí, không có cơ sở khoa học. Có người còn “kiến
nghị”: “Nếu bỏ, không có cái đuôi “định hướng XHCN” thì kinh tế đất nước
sẽ phát triển nhanh hơn”... Những luận điệu như vậy không phải là không
có tác động đến cán bộ, đảng viên, nhân dân, làm một số người băn khoăn, ảnh
hưởng xấu đến sự thống nhất nhận thức, tư tưởng trong Đảng và trong xã hội; làm
giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, vào con đường đi lên CNXH; ảnh
hưởng tới việc thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước, cần phải được đấu tranh, phản bác.
Để đấu tranh có hiệu quả trước những luận điệu sai trái nói trên, một mặt chúng
ta vẫn tiếp tục hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN. Trong đó cần ưu tiên
xây dựng các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật đầy đủ, đồng bộ, hiện đại,
hội nhập, ổn định, cụ thể, minh bạch gắn với tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực
thi pháp luật. Phát triển đầy đủ và đồng bộ thị trường các yếu tố sản xuất,
nhất là các thị trường quyền sử dụng đất và thị trường khoa học-công nghệ.
Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại
hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định một trong 12 định hướng phát triển đất
nước giai đoạn 2021-2030 là “Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển
nền KTTT định hướng XHCN, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử
dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh. Bảo đảm
ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh
tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng
và phát triển đô thị; phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn
mới; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa
học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và
sức cạnh tranh của nền kinh tế”.
Mặt khác cũng cần phải kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai lầm của
các thế lực thù địch. Mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cần có quan điểm vững
vàng, kỹ năng tiếp nhận, xử lý thông tin một cách khoa học trong thời đại bùng
nổ thông tin; kiên định, tỉnh táo, không chia sẻ, bình luận những loại thông
tin xấu độc, xây dựng cho được “hệ miễn dịch” trước thông tin xấu độc. Đồng
thời, cần chủ động hơn trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi loại thông tin này,
như giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra: "Chủ động
chuẩn bị các phương án, biện pháp cụ thể, sát với tình hình; xây dựng lý luận
sắc bén để đấu tranh, phản bác có hiệu quả đối với các quan điểm sai trái, luận
điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội và bất mãn
chính trị chống phá Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc".
"Hoàn thiện Quy chế về kỷ luật phát ngôn đối với cán bộ, đảng viên; xử lý
nghiêm những cá nhân, nhóm người cấu kết với nhau, lợi dụng vấn đề "dân
chủ", "nhân quyền", tôn giáo, dân tộc để tuyên truyền, xuyên tạc
và có hành vi nói, viết, lưu trữ, tán phát tài liệu sai trái...".
Đối với các cơ quan pháp luật, phải chủ động, thường xuyên, kiên quyết, kịp
thời, hiệu quả trong phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực
này, nhất là các đối tượng tạo lập, tán phát thông tin xấu độc, lợi dụng thông
tin xấu độc để chống phá Đảng, Nhà nước, chính quyền, nhân dân và xử lý nghiêm
minh theo đúng quy định của pháp luật./.
Theo
qdnd.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét