Khi dịch COVID-19 bùng phát, hoạt động cấp thị thực tạm dừng, song do nhu cầu “khát” việc làm, cư dân ở biên giới, ở các nơi vùng sâu, vùng xa vẫn trốn sang Trung Quốc để tìm cơ hội. Giải pháp nào để ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép là bài toán cần có sự vào cuộc của các địa phương, cơ quan, ban ngành.

Khát việc làm, bất chấp dịch

Mặc dù biết dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh ở Trung Quốc, song Trần Thị Thanh Thuận (SN 1995) và Trần Thị Hòa (SN 1998), đều trú tại xã Xuân Lôi, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc cùng 3 anh em ruột Phạm Phú Hùng, Phạm Phú Mạnh và Phạm Phú Dũng, trú tại xã Vạn Phúc, huyện Ninh Giang, Hải Dương thuê các đối tượng đưa sang Trung Quốc để tìm kiếm việc làm với tiền công là 1.900 - 2.000 NDT/người. 

Nhóm người trên được 4 đối tượng Nông Văn Mân, Hoàng Minh Tuyền, Hà Huy Hoàng, Hoàng Văn Tuấn, đều trú tại xã Đào Viên, huyện Tràng Định, Lạng Sơn dẫn đến thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng và kết nối với 4 đối tượng đưa tổng cộng 12 người lên Mốc biên giới 1030 vượt biên sang Trung Quốc. Tuy nhiên, nhóm đối tượng này không tổ chức được cho 12 người xuất cảnh trái phép, khi quay về TP Lạng Sơn thì bị bắt giữ.

Theo Công an tỉnh Lạng Sơn, đây chỉ là một trong nhiều vụ án xuất cảnh trái phép tìm kiếm việc làm mà Công an tỉnh điều tra, xử lý trong năm 2020. Dịch COVID-19 xảy ra đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu, nhiều lao động mất việc làm, thất nghiệp, nhất là cư dân biên giới sống vào nghề mang vác hàng thuê. 

Anh Nông Văn Dũng, ở huyện Cao Lộc cho biết: “Những năm trước tôi làm không hết việc ở khu vực Tân Thanh, Đồng Đăng, nhưng từ khi có dịch thành ra thất nghiệp, vừa rồi phải xin trợ cấp mua được chiếc máy ấp trứng gà, cuộc sống rất khó khăn lắm”. 

Nhu cầu tìm kiếm việc làm tăng cao, trong khi nguồn cung hạn chế, nhiều người biết dịch nhưng vẫn bất chấp, liều lĩnh xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc tìm việc làm. Song, nhiều người sang tới bên kia biên giới, bị lực lượng chức năng của Trung Quốc bắt, đưa vào khu cách ly, sau đó đẩy đuổi về Việt Nam.

Thượng tá Nguyễn Thị Tuyết, Phó trưởng Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, gần đến Tết, phía nước bạn tăng cường kiểm soát dịch COVID-19, ngoài bắt, trao trả thì số đẩy đuổi về nước cũng rất nhiều, mỗi ngày đơn vị tiếp nhận vài đến hàng chục người, thậm chí hơn 100 công dân Việt xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. 

Có những đợt cao điểm, đơn vị tiếp nhận 2.500 công dân về nước thì có gần 1.600 người bị đẩy đuổi. Có những tỉnh nằm sâu trong nội địa Trung Quốc như Phúc Kiến, Quảng Đông, có người Việt xuất cảnh trái phép sang từ năm 2017 phía bạn cũng rà soát và trao trả về. Số đầy đuổi chủ yếu là những người mới sang không có việc làm, ở gần biên giới. 

Từ ngày 5 đến 10/1, Công an tỉnh Lạng Sơn và Bộ đội Biên phòng tỉnh phát hiện 197 công dân nhập cảnh trái phép tự về qua đường mòn hoặc được trao trả, đưa về cơ sở cách ly. Riêng ngày 15/1, có hơn 100 công dân được phía bạn trao trả về nước.


Cần có chính sách tạo việc làm cho người lao động

Là lực lượng bảo vệ phiên dậu của quốc gia, với 231km đường mòn biên giới, Đại tá Nông Quang Tám, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn cho biết, Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn lập 156 lán chốt cố định và cơ động nhằm ngăn chặn, chống xuất nhập cảnh trái phép duy trì từ đầu năm 2020 tới nay. Qua đó đã phát hiện nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc về Việt Nam, giữ và thu dung, đưa về các khu cách ly tập trung của tỉnh theo đúng quy định. 

Qua công tác đấu tranh, Bộ đội Biên phòng cũng phát hiện 32 vụ với 63 đối tượng có hành vi tổ chức, môi giới đưa người xuất nhập cảnh trái phép. Từ đầu năm 2020 đến 13/1/2021, Bộ đội Biên phòng đã phát hiện, thu dung và bàn giao 769 lần với 3.947 người Việt Nam nhập cảnh trái phép qua đường mòn biên giới đưa đi các khu cách ly tập trung; phát hiện ngăn chặn được hơn 800 lượt người Việt Nam có ý định xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê; phối hợp với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu tiếp nhận 188 lần với 5.303 trường hợp người Việt Nam nhập cảnh trái phép do Trung Quốc trao trả, đồng thời trao trả cho Trung Quốc 630 trường hợp người nước này nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

“Chúng tôi luôn xác định công tác kiểm tra, xử lý, đấu tranh, ngăn chặn người xuất nhập cảnh trái phép để phòng chống dịch COVID-19 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, từ nay đến Tết Nguyên đán, công tác này được tăng cường hơn nữa với quyết tâm cao, nhằm không để dịch COVID-19 lây lan từ bên ngoài vào nội địa”, Đại tá Nông Quang Tám cho biết. 

Theo Phó Chỉ huy trưởng, 11 đồn Biên phòng đã được tăng cường quân số lần thứ 4, căn cứ vào tình hình thực tế, nếu phát sinh tình huống nóng, sẽ thêm lực lượng ở những vị trí trọng điểm, nhằm đảm bảo mục tiêu cao nhất cho công tác phòng chống dịch.

Tuy nhiên, theo Đại tá Nông Quang Tám, để ngăn chặn người xuất nhập cảnh trái phép, chúng ta phải giải quyết được “gốc” vấn đề. Đó là, các địa phương phải có chính sách tạo việc làm cho người dân, để họ không xuất cảnh trái phép hoặc tiếp tay cho đối tượng buôn lậu, làm lây lan dịch bệnh. 

“Các đồn biên phòng đã triển khai tuyên truyền cho bà con ở cư dân biên giới không tham gia buôn bán, mang vác hàng lậu. Mỗi người dân phải là một chiến sĩ chống dịch, khi phát hiện người nhập cảnh trái phép về địa phương thì thông báo ngay cho chính quyền để đưa những người này đi cách ly”, Đại tá Nông Quang Tám nói.

Đồng quan điểm như trên, đại diện Công an tỉnh Lạng Sơn cũng cho biết, số công dân có nhu cầu xuất cảnh trái phép chủ yếu trú tại các tỉnh, thành nội địa, nhưng công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác trong phòng ngừa, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép chưa được thường xuyên. 

Hơn nữa, cấp ủy, chính quyền của một số địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố nội địa chưa quyết liệt trong chỉ đạo, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng công dân Việt Nam xuất nhập cảnh trái phép. 

Để góp phần hạn chế tình trạng này, Công an tỉnh Lạng Sơn đề xuất Bộ Công an tham mưu cho Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ban, ngành ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, dự án an sinh xã hội, ổn định đời sống dân sinh, nhất là khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, nhằm tạo công ăn viêc làm, thu nhập và ổn định đời sống, qua đó góp phần ổn định an ninh chính trị, TTATXH, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. 

Đồng thời, tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, ngăn chặn việc đưa người Việt Nam xuất nhập cảnh trái phép và người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào nước ta.

Theo Đại tá Nông Quang Tám, có nhiều người sang Trung Quốc lâu năm, nay trốn về nước không nhớ đường đi. Vì vậy, chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền cho các gia đình có người thân ở nước ngoài về nước bằng con đường hợp pháp để được cách ly phòng chống dịch COVID-19; tuyên truyền cho người thân ở nước ngoài, khi đi đến cột mốc biên giới thông báo ngay cho lực lượng Biên phòng (ghi số điện thoại của Bộ đội Biên phòng) để lực lượng này đón bằng ô tô, bàn giao cho cơ quan Công an để đưa đi cách ly tập trung.

Luật sư Trương Tiến Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hồng Phú (Hà Nội) cho biết: Để ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép, chính quyền cấp cơ sở phải thường xuyên nắm bắt tình hình, xem đối tượng nào hay đi, phối hợp với tổ trưởng thôn, xóm, vận động và phổ biến kiến thức pháp luật để cho những đối tượng đó hiểu, ngoài bị xử lý về hành vi nhập cảnh trái phép, còn có thể bị xử lý nếu làm lây truyền dịch bệnh. Chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để người nhập cảnh trái phép biết, khi về phải khai báo ngay ở biên giới và đeo khẩu trang, sử dụng biện pháp tránh lây lan, tránh đi đến nơi công cộng đông người. Ngoài ra, dùng kênh tin nhắn của các nhà mạng, nhằn trực tiếp đến các thuê bao khách hàng hỗ trợ thông tin để người dân nắm bắt được, không xuất cảnh trái phép.