ANTD.VN - Tại Hà Nội - Thủ đô quốc gia là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức, tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide nhấn mạnh: “Tôi chọn Việt Nam vì Việt Nam là một địa điểm thích hợp nhất để tôi gửi thông điệp này lần đầu tiên ra thế giới”.
Thủ tướng Suga Yoshihide khẳng định Việt Nam là đối tác trọng yếu của Nhật Bản |
Không chỉ khu vực mà thế giới đang quan tâm, thông
tin đậm nét về chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Suga
Yoshihide. Chuyến thăm không chỉ diễn ra trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp
cấp do chủng mới của virus corona gây ra (Covid-19) đang hoành hành khắp thế giới
mà còn là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tân Thủ tướng Suga Yoshihide
sau khi nhậm chức cách đây hơn một tháng.
Việc Thủ tướng Nhật Bản chọn Việt Nam là điểm đến đầu
tiên trên cương vị đứng đầu Chính phủ trong bối cảnh hiện nay đã thể hiện sự
đánh giá cao và tin tưởng vào việc nước ta đã kiểm soát tốt đại dịch Covid-19,
cơ sở quan trọng hàng đầu đối với thế giới hiện nay để tiến hành các hoạt động
hợp tác, làm ăn, thúc đẩy sự hồi phục kinh tế vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại
dịch. Điều hệ trọng hơn còn là sự kỳ vọng vào quan hệ đối tác chiến lược với Việt
Nam của Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và là cường quốc hàng đầu
trong khu vực.
Nhìn vào kinh tế, Việt Nam không phải là đối tác lớn
đối với Nhật Bản. Trong đó, theo số liệu mới nhất, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu
giữa hai nước 9 tháng đầu năm 2020 đạt khoảng 28,6 tỷ USD. Tính lũy kế đến
tháng 9-2020, Nhật Bản có 4.595 dự án đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) còn hiệu
lực tại Việt Nam với tổng số vốn dầu tư đăng ký là gần 60 tỷ USD, đứng thứ hai
trong tổng số 136 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Những con số
này còn khá khiêm tốn so với tổng GDP khoảng 5.000 tỷ USD của nước Nhật.
Việt Nam không phải là nền kinh tế lớn ở khu vực
Đông Nam Á, càng không phải có quy mô kinh tế lớn ở châu lục và thế giới khi
làm ăn với cường quốc kinh tế lớn của thế giới như Nhật Bản. Trong Báo cáo Triển
vọng Kinh tế Thế giới vừa công bố trung tuần tháng 10 này, Quỹ Tiền tệ quốc tế
(IMF) cho rằng, GDP Việt Nam năm 2020 ước tính sẽ đạt 340,6 tỷ USD, vượt
Singapore với 337,5 tỷ USD, Malaysia với 336,3 tỷ USD và đứng thư tư ở khu vực
Đông Nam Á sau Indonesia với 1.088,8 tỷ USD, Thái Lan với khoảng 509,2 tỷ USD
và Philippines với 367,4 tỷ USD.
Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam lại có những tiềm
năng và thế mạnh khác, đặc biệt là vai trò, vị trí và vị thế của Việt Nam trong
quan hệ đối tác chiến lược với các cường hàng đầu thế giới cũng như với Nhật Bản.
Dù có vấn đề chiến tranh nhưng Việt Nam và Nhật Bản từ lâu đã “gác lại quá khứ,
hướng tới tương lai”, thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện tin cậy,
thân thiện lẫn nhau. Thậm chí có những ý kiến cho rằng, đó là mối quan hệ bạn
bè chiến lược, thấu hiểu và tin cậy lẫn nhau.
Nhật Bản là quốc gia thuộc Nhóm 7 nước công nghiệp
phát triển nhất thế giới (G7) đầu tiên đón Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tới
thăm chính thức vào năm 1995 và là nước G7 đầu tiên thiết lập quan hệ Đối tác
chiến lược với Việt Nam vào năm 2009, nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế
thị trường của Việt Nam năm 2011, nước G7 đầu tiên mời Việt Nam tham dự Hội nghị
Thượng đỉnh G7 mở rộng vào tháng 5-2016. Hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác
chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á vào tháng 3-2014.
Làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nhật
Khi tái đắc cử vào cuối năm 2012, người tiền nhiệm
của Thủ tướng Suga Yoshihide là ông Shinzo Abe đã lại chọn Việt Nam là quốc gia
đầu tiên tới thăm sau khi nhậm chức. Thủ tướng Abe Shinzo trên cương vị người đứng
đầu Chính phủ Nhật Bản đã thăm chính thức Việt Nam tới 4 lần vào tháng 11-2006,
tháng 1-2013, tháng 1-2017 và tháng 11-2017. Giới quan sát cho rằng, việc tân
Thủ tướng Suga Yoshihide tiếp tục như người tiền nhiệm chọn Việt Nam là nơi thực
hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên chứ không phải là các cường quốc hàng đầu
thế giới đã thể hiện sự thân thiện, tin cậy lẫn nhau của hai nước và bao trùm
lên tất cả là lợi ích song trùng cũng như tiềm năng, tương lại rộng mở của mối
quan hệ bạn bè chiến lược này.
Việt Nam vừa ký kết và bắt đầu triển khai thực hiện
Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU, gọi là EVFTA). Ngoài ra,
Việt Nam đang đàm phán các hiệp định tương tự với Anh, trong khi Mỹ cũng đang
thúc đẩy mạnh hợp tác thương mại với Việt Nam. Chuyến thăm của Thủ tướng Suga
diễn ra trong bối cảnh hai nước Nhật Bản và Việt Nam cũng như các nước đều tìm
cách thúc đẩy hợp tác kinh tế để hồi phục sau những ảnh hưởng của dịch
Covid-19, trong khi Việt Nam là một trong những quốc gia kiểm soát đại dịch và
phục hồi kinh tế tốt bậc nhất thế giới đã hứa hẹn mang lại lợi ích thiết thực
cho cả hai bên.
Hãng tin kinh tế hàng đầu thế giới Reuters cho biết,
hiện nay Việt Nam đang là lựa chọn phổ biến đối với các công ty Nhật Bản. Có tới
một nửa trong 30 công ty Nhật Bản đang hưởng chương trình ưu đãi 23,5 tỉ Yen
(hơn 223 triệu USD) của chính phủ nước này đang cân nhắc đa dạng hóa chuỗi cung
ứng hướng về Đông Nam Á đã nhắm tới Việt Nam.
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio khẳng định,
mối quan hệ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản trong thời gian qua đã phát triển lớn mạnh
và Thủ tướng Suga Yoshihide sẽ tiếp tục phát triển, làm sâu sắc quan hệ Đối tác
chiến lược toàn diện, sâu rộng giữa hai nước. Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng
Suga Yoshihide thể hiện Nhật Bản luôn dành sự tôn trọng và sự tin tưởng lớn nhất
đối với Việt Nam.
Và một trong những điều quan trọng nhất là Việt Nam
và Nhật Bản đã cùng nhau xây dựng mối quan hệ hợp tác hữu nghị chặt chẽ trong rất
nhiều năm qua, tin rằng Việt Nam là đối tác tối quan trọng và chiến lược đối với
Nhật Bản trong tương lai, đồng thời việc củng cố, tăng cường mối quan hệ sẽ góp
phần mang lại sự phát triển và lợi ích quốc gia cho cả hai nước.
Khi cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ báo chí
ngày 19-10, Thủ tướng Suga Yoshihide một lần nữa khẳng định, Việt Nam là đối
tác quan trọng của Nhật Bản và đóng vai trò trọng yếu khi Nhật Bản tiến hành
chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Nhật Bản là một quốc
gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Nhật Bản sẽ tiếp tục góp phần cho hòa bình
và thịnh vượng ở khu vực. Người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản nhấn mạnh tại Thủ
đô đất nước tới thăm đầu tiên sau khi nhậm chức: “Tôi chọn Việt Nam vì Việt Nam
là một địa điểm thích hợp nhất để tôi gửi thông điệp này lần đầu tiên ra thế giới”.
Ngẫm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét