nguồn: TTXVN
Ngày
7/9, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Giết
người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm,
huyện Mỹ Đức, Hà Nội).
Vụ án được dư luận xã hội quan tâm, theo
dõi do tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội đã gây ra hậu quả đặc
biệt nghiêm trọng, làm 3 cán bộ, chiến sĩ Công an hy sinh.
Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người Phát ngôn của Bộ Công an trao đổi với phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Chiều 6/9, Thiếu tướng Tô Ân
Xô, Chánh Văn phòng, Người Phát ngôn của Bộ Công an đã trao đổi với phóng viên
TTXVN về nguyên nhân, diễn biến vụ việc, quá trình bảo đảm an ninh, trật tự của
lực lượng chức năng và những vấn đề rút ra từ vụ án.
Xin Thiếu tướng cho biết nguyên nhân dẫn
đến vụ án “Giết người, chống người thi hành công vụ xảy ra tại xã Đồng Tâm,
huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội” ngày 9/1/2020 vừa qua?
Vụ án xảy ra tại xã Đồng Tâm
ngày 9/1/2020 là vụ án nghiêm trọng, dư luận trong và ngoài nước quan tâm,
nhiều đối tượng vi phạm pháp luật với hành vi manh động, dã man, gây bức xúc dư
luận. Vụ án nêu trên do một nhóm đối tượng lợi dụng danh nghĩa đảng viên lôi
kéo, lừa mị người dân tham gia các hoạt động sai phạm. Nguyên nhân trực tiếp là
hoạt động chống đối của một số đối tượng trong cái gọi là “Tổ đồng thuận” do
ông Lê Đình Kình đứng đầu thành lập, coi thường pháp luật, lợi dụng
khiếu nại, tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng, tâm lý ham muốn vật chất
của một số người dân để tập hợp, lôi kéo những người bất mãn, tiêu cực,
kể cả số nghiện hút ma túy, số có tiền án tiền sự tham gia các hoạt động gây
mất an ninh, trật tự tại địa phương.
Đề nghị Thiếu tướng cho
biết cụ thể hơn các vấn đề nêu trên?
Ông Lê Đình Kình nguyên Huyện
ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã, nguyên Trưởng Công an xã Đồng Tâm. Năm 1982, tại
Đại hội Đảng bộ xã Đồng Tâm, do không đủ phiếu bầu, không trúng cử Ban Chấp
hành Đảng bộ xã, dù đã được bố trí làm thư ký văn phòng UBND xã Đồng Tâm, nhưng
ông Kình vẫn nảy sinh tâm lý bất mãn, không mặn mà với công việc. Sau khi nghỉ
hưu, ông này thường xuyên lôi kéo, tập hợp một số cán bộ cốt cán của xã Đồng
Tâm và con cháu trong dòng họ Lê Đình để kích động gây mâu thuẫn, chia rẽ nội
bộ.
Đầu năm 2013, ông Lê Đình
Kình đứng đầu thành lập cái gọi là “Tổ đồng thuận” gồm 19 thành viên.
Ngoài ông Lê Đình Kình, còn 5 đối tượng chủ mưu cầm đầu, trong đó 3 đối
tượng có quan hệ dòng họ với ông Kình (Lê Đình Công, Lê Đình Chức, Lê Đình
Doanh), 40 đối tượng quá khích và số người ủng hộ hoạt động của “Tổ đồng
thuận”. Số này chủ yếu là con, cháu ông Kình và người nhà số chủ mưu,
cầm đầu, quá khích. “Tổ đồng thuận” tuyên truyền “sẽ được hưởng lợi nếu đòi
được đất đồng Sênh, được Nhà nước đền bù hoặc bán với giá là 6 triệu đồng/m2”
để lôi kéo những người dân không có quyền lợi, nghĩa vụ trên đất đồng Sênh
tham gia các hoạt động gây mất an ninh, trật tự tại địa phương.
Cần phải nói thêm Lê Đình là
dòng họ lớn nhất ở xã Đồng Tâm, cùng với tâm lý dòng tộc ở vùng
nông thôn là điều kiện thuận lợi để “Tổ đồng thuận” lợi dụng tìm
cách đưa người trong dòng họ, người có cùng quan điểm vào các vị trí chủ chốt
của xã, thôn thông qua việc thực hiện các quy định trong bầu cử; đồng
thời lôi kéo, kích động người dân tham gia các hoạt động gây mất an
ninh, trật tự. Thực tế, nhiều vị trí trưởng thôn, phó thôn Hoành
trước đây là con, cháu của ông Kình, như Lê Đình Công, nguyên Trưởng thôn
là con trai ông Kình; Lê Đình Ba, nguyên Phó thôn là cháu ông Kình...
Từ năm 2013 đến trước khi
xảy ra vụ việc ngày 9/1/2020, “Tổ đồng thuận” và số đối tượng quá
khích có rất nhiều hoạt động gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn,
gây bức xúc, bất bình trong đại bộ phận quần chúng nhân dân, như công
khai sử dụng hệ thống loa phóng thanh tuyên truyền trái phép nhiều nội dung
kích động, xuyên tạc sự thật về đất quốc phòng; kích động một số người dân xã
Đồng Tâm ngang nhiên lấn chiếm đất quốc phòng (tự ý đo đạc, cắm cọc phân lô,
giao chia đất đồng Sênh cho nhiều người dân; thuê máy san lấp đất, trồng cây,
xây dựng trái phép cổng chào, làm đường, đào và xây giếng khơi, bể nước, làm
nhà trên khu vực đất đồng Sênh); tấn công quần chúng không cùng quan điểm
(đối tượng Lê Đình Mỳ (còn gọi là Mỹ) dùng dao quắm tấn công ông Nguyễn Văn
Toán - người phát biểu tại Hội nghị đối thoại của Thanh tra Chính phủ, đuổi
đánh ông Nguyễn Mạnh Tài, đe dọa tấn công đồng chí Chủ tịch xã Đồng Tâm; một số
ngang nhiên đốt pháo nổ, ném vào nhà một số người dân); tấn công cán bộ,
chiến sỹ thực hiện nhiệm vụ tại thôn Hoành; thông qua mạng xã hội
tìm kiếm sự ủng hộ, hỗ trợ, hướng dẫn phương thức hoạt động chống phá từ
các đối tượng phản động lưu vong và phần tử xấu.
Khi lực lượng Quân đội thi
công tường rào sân bay Miếu Môn, các đối tượng công khai ráo riết
chuẩn bị hung khí, vũ khí, sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng, bộc lộ
sẽ cho nổ cây xăng “Miếu Môn”, nhà đồng chí Chủ tịch UBND xã và một số cán bộ
Xã nếu xây dựng tường rào tại khu vực xã Đồng Tâm.
Trước diễn biến tình hình
tại xã Đồng Tâm, để bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ thi công tường
rào bảo vệ sân bay Miếu Môn của Bộ Quốc phòng đoạn qua xã Đồng Tâm, căn cứ
vào các quy định của pháp luật, trên cơ sở bảo đảm an ninh, an toàn an ninh
trật tự và các hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức và nhân dân xã Đồng
Tâm, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt triển khai các kế hoạch, phương án, xác
định 2 khu vực trọng điểm phải bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn, đó là: Khu vực
thi công tường rào sân bay Miếu Môn; Trụ sở cơ quan Đảng, chính quyền, tổ chức
chính trị xã hội, trường học, nhà riêng cán bộ, quần chúng nhân dân khu vực
xã Đồng Tâm.
Khi biết lực lượng chức năng
triển khai các tổ công tác tại xã Đồng Tâm, các đối tượng trong “Tổ đồng
thuận” đã rất manh động, chúng dùng “bom xăng”, pháo sáng, lựu đạn (ném 3 quả
lựu đạn, 1 quả nổ, 2 quả không nổ), tuýp sắt đầu gắn dao nhọn, gạch đá tấn công
quyết liệt lực lượng chức năng, sau đó rút về cố thủ tại nhà ông Lê Đình Kình,
Lê Đình Chức và nóc nhà Lê Đình Hợi; khi thấy 3 đồng chí Công an bị ngã từ mái
nhà trong quá trình tiếp cận nhà Kình, Lê Đình Doanh châm lửa vào chậu xăng
đẩy xuống nơi 3 đồng chí Công an bị ngã xuống, tiếp đó Lê Đình Chức liên tiếp
đổ 3 - 5 chậu xăng xuống, dẫn đến 3 chiến sĩ Công an hy sinh.
Trước hành vi phạm pháp quả
tang và sự ngoan cố của các đối tượng sau nhiều lần phát loa tuyên truyền
vận động, lực lượng làm nhiệm vụ đã triển khai các biện pháp trấn áp, ngăn
chặn theo quy định của pháp luật; bắt giữ và triệu tập các đối tượng có các
hành vi vi phạm pháp luật. Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội
đã ra quyết định khởi tố và ngày 5/6/2020 đã kết luận điều tra vụ án
“Giết người, chống người thi hành công vụ xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức,
thành phố Hà Nội”.
Quá trình điều tra đã
chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng, khẳng định hành vi
giết người dã man, vô nhân tính đối với 3 cán bộ Công an và chống
người thi hành công vụ, đồng thời làm rõ các tình tiết liên quan: Việc
khiếu nại, tố cáo tại xã Đồng Tâm đã được giải quyết theo đúng quy định của
pháp luật; Những hành vi chống đối là của một nhóm nhỏ đối tượng, đại đa số
nhân dân xã Đồng Tâm rất bức xúc và đề nghị chính quyền phải xử lý nghiêm;
Các cấp chính quyền đã nhiều lần kiên trì tuyên truyền, vận động, đối thoại
nhưng các đối tượng vẫn kiên quyết chống đối.
Có ý kiến cho rằng “việc bố trí
lực lượng Công an ở xã Đồng Tâm để thực hiện phương án cưỡng chế
giải phóng mặt bằng”, việc này có đúng không và xin Thiếu tướng cho
biết vì sao bố trí lực lượng Công an ngay trong đêm?
Việc triển khai phương án bảo
đảm an ninh, trật tự phục vụ thi công xây dựng tường rào sân bay Miếu Môn không
phải là phương án cưỡng chế giải phóng mặt bằng do đến thời điểm lực lượng Quân
đội thi công xây dựng tường rào, toàn bộ đất khu đất sân bay Miếu Môn không có
tranh chấp, 14 hộ dân có đất canh tác trong diện giải phóng mặt bằng ủng hộ chủ
trương của Đảng, Nhà nước, đã nhận hỗ trợ và di dời khỏi đất quốc phòng.
Thời điểm triển khai phương án,
việc triển khai bố trí lực lượng sớm, ngay từ trong đêm xuất phát từ 2 yêu cầu.
Thứ nhất là căn cứ kế hoạch hiệp đồng giữa các lực lượng, lực lượng Công an có
trách nhiệm hoàn tất triển khai phương án bảo đảm an ninh, trật tự trước 6h00
ngày 9/1/2019 để các đơn vị của Bộ Quốc phòng xây dựng đoạn tường rào còn lại
trên địa bàn xã Đồng Tâm.
Thứ hai là trong tất cả các
phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự, lực lượng Công an đều phải triển
khai lực lượng, biện pháp 24/24 giờ, cả trước, trong và sau khi diễn ra
sự kiện để đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn đối tượng bảo vệ, do vậy việc bố
trí lực lượng trong đêm là bình thường, đúng quy định của pháp luật liên quan.
Vậy chúng ta có thể rút
ra vấn đề gì từ vụ án xảy ra tại Đồng Tâm, thưa Thiếu tướng?
Với hàng loạt hành vi vi phạm
pháp luật diễn ra trong thời gian dài, có đối tượng chủ mưu cầm đầu, đối tượng
tích cực, có phân công nhiệm vụ cụ thể, hoạt động manh động, không chỉ ráo riết
quyết liệt chuẩn bị vũ khí, hung khí có khả năng sát thương chống lại lực lượng
chức năng, mà còn thường xuyên đe dọa, tấn công, khủng bố tinh thần nhiều người
dân địa phương có quan điểm không ủng hộ hoạt động vi phạm pháp luật của các
đối tượng, gây sức ép buộc người dân tham gia các hoạt động chống đối, ý đồ
“rào làng vũ trang”, tập hợp lực lượng chống đối có tổ chức nguy hiểm.
Trong đó, sự nổi lên của đối
tượng cầm đầu, nhất là ông Lê Đình Kình trong bối cảnh dòng họ Lê Đình có ảnh
hưởng lớn tại thôn Hoành, có khả năng chi phối, tác động kết quả bầu cử ở cơ
sở, là một loại “cường hào địa chủ mới”, hậu quả sự thoái hóa biến chất của một
bộ phận cán bộ đảng viên, mượn danh nghĩa đảng viên, lo cho dân để chống lại
chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Thực tế vụ án xảy ra tại xã
Đồng Tâm để lại nhiều bài học, nhất là trong công tác xây dựng hệ
thống chính trị cơ sở vùng nông thôn và việc thực hiện dân chủ ở cơ sở,
việc giải quyết dứt điểm từ sớm những mâu thuẫn, bức xúc trong nhân
dân, không để các đối tượng có điều kiện lợi dụng kích động chống
phá.
Xin cảm ơn Thiếu tướng!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét