Thứ Hai, 21 tháng 9, 2020

Để trường học thực sự là nơi hạnh phúc

 (TG) - Lấy cảm hứng từ mô hình “Happy School” của UNESCO, mô hình "Trường học hạnh phúc" bắt đầu triển khai thí điểm ở nước ta vào tháng 4/2018 và nhanh chóng được nhân rộng trong nhiều cơ sở giáo dục đào tạo các cấp khi người đứng đầu ngành giáo dục phát động phong trào "Triển khai kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một môi trường hạnh phúc" (ngày 22/4/2019) nhằm lan tỏa những giá trị: yêu thương, an toàn và tôn trọng trong các nhà trường.

Với mong muốn phong trào do người đứng đầu ngành giáo dục phát động thực sự trở thành mô hình lan tỏa, hiệu quả, ý nghĩa, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui, để trường học thực sự là "nơi ước đến, chốn mong về" với đông đảo học sinh, chúng tôi xin trao đổi một số giải pháp cơ bản trong việc xây dựng trường học hạnh phúc.

Học sinh trường Tiểu học Lê Quý Đôn, Hà Nội trong giờ học (Ảnh: LQĐ)


NÂNG CAO NHẬN THỨC VỀ TRƯỜNG HỌC HẠNH PHÚC

Để mô hình trường học hạnh phúc không dừng lại ở khẩu hiệu, phong trào nhất thời, cần nâng cao nhận thức của toàn thể đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, phụ huynh và toàn xã hội trong việc kiến tạo môi trường học tập, giáo dục lành mạnh, nhân văn, tiến bộ. Trường học hạnh phúc là trường học thân thiện, đem đến sự hài lòng, thỏa mãn và đáp ứng tốt nhu cầu, quyền được học tập, giáo dục, rèn luyện một cách toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ của người học. Khi con người có hạnh phúc, cảm xúc được thăng hoa, sẽ tạo động lực tinh thần để người học không ngừng nỗ lực vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao tri thức nhân loại, để khẳng định mình và có những cống hiến lớn lao cho xã hội.

Để người học có được niềm vui, niềm hân hoan, hạnh phúc mỗi khi đến trường, những người có trách nhiệm (cán bộ quản lý giáo dục, thầy cô giáo) phải trao đi những yêu thương bằng những hành động cụ thể; biết quan tâm đến hoàn cảnh của mỗi em; nắm bắt được tâm lí, năng lực, sở trường của người học để có biện pháp giáo dục phù hợp, hiệu quả nhất.

Trường học hạnh phúc là khi mỗi học sinh cảm nhận được sự ấm áp, yêu thương tỏa ra từ thầy cô, bạn bè với niềm vui được nhân lên và nỗi buồn được san sẻ. Hạnh phúc với người học đôi khi rất giản dị, một lời hỏi thăm, nhắn nhủ, động viên; một lời phê, nhận xét chính xác, chân tình; một giờ giảng hay, hấp dẫn; một phong cách giản dị, trong sáng, mực thước với trí tuệ uyên bác của thầy cô đều để lại những ấn tượng, hình ảnh đẹp sẽ theo người học suốt cuộc đời. Hạnh phúc còn là khi nỗ lực, cố gắng của người học được đền đáp, ghi nhận qua những điểm số chính xác, bằng những phần thưởng nho nhỏ động viên; là sự chân thành, hồn nhiên, trong sáng của tình bạn; là những vấn vương, rung động đầu đời của tuổi mới lớn; là khung cảnh nên thơ, trữ tình của hàng cây, ghế đá,… Những hành động đẹp, lời nói đẹp, cảnh quang đẹp của thầy cô, bè bạn, mái trường đều góp phần dệt nên xúc cảm hạnh phúc, hân hoan trong trái tim, suy nghĩ tuổi học trò.

Khi con người cảm thấy được hạnh phúc, được quan tâm, yêu thương; thấy trường học thực sự là nơi hữu ích, sẽ tạo cho họ sự phấn chấn, mê say trong học tập, nghiên cứu khoa học để trở thành người hữu ích cho xã hội. Vì thế có thể nói trường học hạnh phúc là nền tảng, bệ đỡ tinh thần để những ý tưởng, mục tiêu giáo dục, đào tạo được thực thi một cách hiệu quả, ý nghĩa nhất. Để xây dựng trường học hạnh phúc, việc đầu tiên là sự thống nhất trong nhận thức và quyết tâm hành động của toàn ngành giáo dục, nhất là người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị.



KIẾN TẠO MÔI TRƯỜNG HỌC ĐƯỜNG AN TOÀN, THÂN THIỆN

Thời gian qua, trước những tác động của nhiều nhân tố chủ quan và khách quan, nhất là những tác động xấu của mặt trái nền kinh tế thị trường, sự bùng nổ công nghệ thông tin, Internet, mạng xã hội đến tâm lý tuổi học trò khiến nhiều em có những suy nghĩ, hành động sai lệch. Điều này đang chi phối và ảnh hưởng lớn đến môi trường giáo dục.

Một trong những giá trị, mục tiêu hướng đến của trường học hạnh phúc là sự an toàn cho cả thầy và trò, tuy nhiên hiện nay, không ít trường học đang không thể đứng vững trước sự tấn công ồ ạt, tinh vi của những trào lưu tư tưởng, lối sống phức tạp được du nhập từ bên ngoài; là tệ nạn xã hội, ma túy, bạo lực; là những tư tưởng, thói quen lệch lạc của không ít bạn trẻ; là những hành động thiếu văn hóa của nhiều bậc phụ huynh; là sự suy thoái đạo đức, nhân cách của không ít cán bộ quản lý giáo dục vì lợi ích trước mắt mà hủy hoại nhân tâm. Những vụ việc, hiện tượng tiêu cực, gian lận trong thi cử thời gian qua; những câu chuyện đau lòng khi một số học sinh bị thầy cô xâm hại, quấy rối tình dục; sự việc một số bảo mẫu bạo hành trẻ em; những tai nạn thương tâm của học trò do sự lơ là, vô tâm của người lớn; những vụ phụ huynh tố cáo nhà trường, chà đạp lên nhân phẩm, danh dự thầy cô; sự thương mại hóa, đề cao lợi ích, đồng tiền của một số cơ sở giáo dục,… những vụ việc ấy tuy không nhiều nhưng dư chấn và hậu họa mà nó để lại là vô cùng lớn, gây tâm lý hoài nghi, mất niềm tin vào giáo dục, làm doãng cách mối quan hệ thầy trò, gia đình và nhà trường. Với phụ huynh và học sinh, chỉ cần một chút nghi ngại về nhà trường (trong hoạt động giáo dục, trong chi tiêu tài chính, trong ứng xử, giao tiếp) thì rất khó để có được sự an vui, hạnh phúc mỗi khi đến trường.

Đánh giá về những bất cập, hạn chế của lĩnh vực giáo dục những năm qua, Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: "Đổi mới tư duy và hoạt động giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng tốt yêu cầu đặt ra… Chưa chú trọng đúng mức đến phát triển phẩm chất và kỹ năng người học. Giáo dục làm người, đạo đức lối sống có lúc, có nơi bị xem nhẹ… Còn không ít tiêu cực trong giáo dục và đào tạo"1(1). Vì thế để xây dựng mô hình trường học hạnh phúc, tiêu chí đầu tiên mà mỗi cơ sở giáo dục phải tạo ra là sự an toàn cho người học, tức là người học được sống, học tập trong môi trường lành mạnh, đậm tính nhân văn, dân chủ. An toàn đầu tiên là an toàn về tính mạng, thân thể, không được để xảy ra tình trạng nguy hiểm trong phạm vi khuôn viên nhà trường như tình trạng cây gãy đổ, điện giật, tường rào sụt lún, phòng học nứt nẻ, xuống cấp. Nhà trường cần phối hợp tốt với chính quyền, công an địa phương để kịp thời ngăn chặn và đẩy lùi những hành vi phản văn hóa từ bên ngoài tấn công, xâm nhập nhà trường. Điều đặc biệt quan trọng với mỗi cơ sở giáo dục là phải tạo được sự an nhiên trong tâm hồn mỗi người học bằng những tri thức, kỹ năng sống mà thầy cô cung cấp, chia sẻ. Những bài học từ sách vở, từ kinh nghiệm sống của thầy cô sẽ tạo sức đề kháng, là lá chắn vững chắc để người học tự tin, chủ động trong ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra theo hướng an toàn, phù hợp.

Thực hành dân chủ trong trường học là khi người dạy, người học đều ý thức rõ về quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình với những người xung quanh, với cơ quan, tổ chức; phát huy tinh thần chủ động, tích cực tranh luận, trao đổi của người học; ghi nhận những ý tưởng độc đáo, mới lạ; tôn trọng sự khác biệt trong văn hóa, tôn giáo, phong tục tộc người. Khi con người được tôn trọng, được đối xử bình đẳng với những sáng kiến cá nhân được lắng nghe sẽ là động lực lớn để người học vươn lên khẳng định mình và sẽ có nhiều cống hiến cho xã hội.

Để trường học thân thiện, hạnh phúc, xứng đáng là ngôi nhà, gia đình, tổ ấm thứ hai với mỗi người học thì những giá trị yêu thương, quan tâm, sẻ chia cần được thực hành tốt trong mỗi nhà trường. Giáo dục phải xuất phát từ tình yêu thương, quan tâm sâu sắc đến mỗi con người. Đó là nơi nâng niu, chắp cánh những ước mơ, khát vọng. Giáo dục phải vì con người, vì sự tiến bộ của học trò. Giáo dục phải cảm hóa, giúp người học nhận ra những khiếm khuyết, hạn chế của bản thân để không ngừng vươn lên hoàn thiện mình. Nhưng yêu thương phải gắn liền với kỷ luật, kỷ cương, với nếp sống văn minh, tiến bộ.

Xây dựng môi trường học tập nhân văn, thân thiện, tiến bộ, khoa học là điều cần thiết để thực thi trường học hạnh phúc. Muốn được điều đó cần sự kiên trì, nỗ lực, sự quyết tâm của toàn ngành giáo dục và sự chung tay góp sức của cả cộng đồng.

PHÁT HUY SỨC MẠNH CỦA CỘNG ĐỒNG

Trong bối cảnh giao lưu hội nhập hiện nay, nhà trường không thể đứng biệt lập, không thể tự thân vận động nếu như không có sự ủng hộ, chia sẻ, chung tay xây dựng của cả cộng đồng. Để trường học hạnh phúc, để những giá trị yêu thương, an toàn, tôn trọng được thực thi tốt thì việc kêu gọi sự chung tay giúp đỡ bằng nguồn xã hội hóa của cộng đồng, người dân, doanh nghiệp trong xây dựng, trùng tu trường học là hết sức cần thiết, nhất là đối với những cơ sở giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiếu số. Trong tương lai gần, cần phải xóa bỏ những ngôi trường tạm, tranh tre nứa lá, dột nát, xuống cấp nghiêm trọng bằng những ngôi trường mới kiên cố, khang trang, hiện đại với hệ thống trang thiết bị, đồ dùng học tập đầy đủ, đồng bộ, đáp ứng tốt nhu cầu học tập, nghiên cứu của học sinh.

Trường học là thiết chế văn hóa - giáo dục đặc biệt, việc quan tâm, đầu tư cho giáo dục được xem là nhân tố quan trọng cho sự phát triển, cho tương lai tương sáng của dân tộc.

Trong thực tiễn, những vấn đề của giáo dục, đào tạo luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của hàng triệu gia đình Việt Nam. Vì thế để tạo dựng giá trị hạnh phúc trong mỗi ngôi trường, điều quan trọng là phải đầu tư nguồn lực, từ ngân sách nhà nước, từ nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng thiết chế trường học phù hợp với điều kiện, nét văn hóa riêng của từng vùng miền; không bố trí điểm trường ở quá xa so với khu dân cư; không bố trí, sắp xếp phòng học quá hẹp; phòng học quá đông học sinh; trong trường phải có những không gian sáng tạo, vui chơi, thư giãn cho người học. Trong khuôn viên nhà trường cần tạo dựng cảnh quan, không gian, môi trường sư phạm xanh - sạch - đẹp, gần gũi với thiên nhiên, cuộc sống với các công trình phụ trợ (như thư viện, phòng thực hành, nhà giáo dục thể chất, khu vệ sinh) được bố trí phù hợp, có tính thẩm mỹ, tạo sự thân thiện, gần gũi. 



Để xây dựng trường học hạnh phúc, không gian, cảnh quan nhà trường có vai trò quan trọng, tạo ấn tượng, cảm xúc tốt đẹp cho mỗi người khi đến nơi đây. Đó là cảm xúc ban đầu và là chất xúc tác quan trọng tạo sự thư thái, gợi những xúc cảm đẹp, tiếp thêm năng lượng để người học không ngừng cố gắng trong quá trình học tập, thi cử. Nhưng để có được những ngôi trường mơ ước (về cơ sở hạ tầng hiện đại) cần sự chung tay, kết hợp của cả cộng đồng, bằng nhiều hình thức khác nhau góp sức người, sức của để cùng ngành giáo dục dựng nên những ngôi trường hạnh phúc.

“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai“, việc giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ có tri thức, trí tuệ, nhân cách là trách nhiệm của thế hệ đi trước, của cả cộng đồng, trong đó đội ngũ thầy cô giáo giữ vai trò quan trọng. Mục tiêu của giáo dục là lấy người học làm trung tâm, giúp họ phát triển toàn diện năng lực và tố chất để ngày càng hoàn thiện nhân cách, trở thành những con người hữu ích cho xã hội. Hãy nghe học sinh nói, để thấu hiểu những mong ước giản dị, từ đó mang lại những giá trị hạnh phúc cho họ từ những điều giản dị, thân thương nhất.

Mô hình trường học hạnh phúc là một thông điệp, quyết tâm lớn của ngành giáo dục, truyền đi những tín hiệu tích cực, thể hiện nỗ lực không ngừng đổi mới để đáp ứng tốt hơn những yêu cầu, đòi hỏi mà xã hội, đất nước đang đặt ra./.

 

 

TS. NGUYỄN HUY PHÒNG

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

________________________

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng (tài liệu lưu hành nội bộ), H, 2020, tr.14.

 

Không có nhận xét nào:

Hãy tôn trọng quyền công dân của ông Thích Minh Tuệ

[CAND] Thời gian gần đây, hiện tượng liên quan ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) tiếp tục gây ồn ào trên mạng xã hội. Mặc dù những thông tin lợ...