1- Văn hóa ứng xử là một trong những thành tố của văn hóa. Do vậy, ở mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều có những quy phạm ứng xử xã hội phù hợp với điều kiện văn hóa, thể hiện tính người thông qua cách ứng xử của mỗi cá nhân trong cộng đồng.
Một trong những tiêu chí được sử dụng để đánh giá sự phát triển của xã hội là văn hóa. Điều này được Đảng và Nhà nước ta khẳng định trong đường lối, chính sách phát triển coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Quyết định số 432/QĐ-TTg, ngày 12-4-2012, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020”, xác định các định hướng ưu tiên nhằm phát triển bền vững trong giai đoạn 2011-2020 là phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc, đồng thời tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, xử lý tốt mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; xây dựng lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng nhân cách con người Việt Nam, đặc biệt là xây dựng, bồi đắp đạo đức, lối sống, trí tuệ, thể chất, lòng tự tôn dân tộc, trách nhiệm xã hội và ý thức chấp hành pháp luật trong thế hệ trẻ.
Sự phát triển xã hội đặt con người vào trung tâm của sự phát triển, ngược lại cách con người ứng xử với nhau trong xã hội có thể nhìn nhận được và có những tác động nhất định đến sự phát triển xã hội. Mối quan hệ này cho thấy, con người không thể sống tách biệt hoàn toàn với xã hội cũng như không thể tồn tại mà không có những mối quan hệ với thế giới quanh mình. Như C.Mác viết: “Xã hội - cho dù nó có hình thức gì đi nữa…[đều] là sản phẩm của sự tác động qua lại giữa những con người”(1). Chính bởi vậy, trong việc đánh giá sự phát triển của xã hội và sự tác động của văn hóa, thì cần chú ý đến tác động của văn hóa ứng xử. Điều này có thể nhìn nhận từ chính hoạt động của con người đối với xã hội. Đúng như Fê-đê-ri-cô Mây-ơ (Federico Mayor), nguyên Tổng Giám đốc UNESCO đã nhấn mạnh: “Khi các mục tiêu tăng trưởng kinh tế được đặt ra mà tách rời môi trường văn hóa thì kết quả thu được sẽ rất khập khiễng, mất cân đối cả về mặt kinh tế lẫn mặt văn hóa, đồng thời tiềm năng sáng tạo của mỗi dân tộc sẽ suy yếu đi rất nhiều”(2). Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, sự phát triển xã hội Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nếu như con người thiếu nhận thức đúng đắn về sự giao lưu và kết nối văn hóa. Điều đó phản ánh nền tảng văn hóa trong mỗi con người, sự vững chắc của giá trị văn hóa trong xã hội, do vậy, văn hóa ứng xử là một trong những cơ sở thể hiện khả năng phát triển xã hội, vì nó thể hiện sự nhận thức và hành động của các cá nhân, của cộng đồng và được thể hiện trong chính sách phát triển xã hội của hệ thống chính trị.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, sự giao lưu văn hóa đã và đang tạo ra không ít thách thức với chính con người với vai trò là đối tượng tạo ra và phát triển văn hóa, trong việc nhận thức về giá trị của văn hóa, phát huy giá trị của giao lưu văn hóa trong đời sống xã hội. Từ góc độ văn hóa ứng xử, rõ ràng có một bộ phận, nhất là giới trẻ chưa tìm được cách thể hiện mình trong điều kiện đa văn hóa hiện nay.
Văn hóa chỉ phát triển thông qua các mối quan hệ xã hội thường xuyên, nhưng chịu sự điều chỉnh bởi nhiều mối quan hệ khác, đồng thời được kế thừa và tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua quá trình học hỏi, tương tác với môi trường và với các thành viên trong xã hội. Điều đó khẳng định, vấn đề ứng xử được đặt ra như một nhu cầu của quá trình phát triển văn hóa nói riêng và phát triển xã hội nói chung.
Văn hóa ứng xử chỉ có ở con người, chịu sự chi phối mạnh mẽ từ nền tảng văn hóa của cá nhân và của xã hội. “Văn hóa ứng xử là hệ thống các khuôn mẫu ứng xử được thể hiện ở thái độ, kỹ năng ứng xử của cá nhân và cộng đồng người trong mối quan hệ với môi trường tự nhiên, xã hội và bản thân, trên cơ sở những chuẩn mực văn hóa - xã hội nhất định, để bảo tồn, phát triển cuộc sống cá nhân và cộng đồng nhằm làm cho cuộc sống của cá nhân và cộng đồng giàu tính người hơn”(3). Do vậy, văn hóa ứng xử và sự phát triển xã hội có mối quan hệ tác động lẫn nhau. Văn hóa ứng xử chi phối những mối quan hệ con người với con người, con người với tự nhiên và con người với bản thân mình. Văn hóa ứng xử được nhìn nhận từ hai phạm vi là văn hóa xã hội và văn hóa cá nhân. Những tác động của văn hóa ứng xử đến sự phát triển xã hội có sự thể hiện đa dạng qua nhiều cách thức, được nhìn nhận qua mối quan hệ giữa con người với con người trên nền tảng văn hóa cá nhân. Văn hóa cá nhân không chỉ được hiểu đơn giản là những tri thức, những giá trị văn hóa do người đó tiếp nhận được thông qua con đường giáo dục, đào tạo,… mà cần được mở rộng hơn là cách thức cá nhân sử dụng những tri thức, những giá trị văn hóa đó trong cuộc sống của mình như thế nào.
2- Một trong những tác động của văn hóa nói chung, văn hóa ứng xử nói riêng, đến xã hội thể hiện qua hiệu ứng chức năng. Đó là sự phản ánh cách thức văn hóa hoạt động để có thể duy trì và phát triển xã hội. Những tác động này có thể kể đến việc thúc đẩy sự tham gia của người dân, góp phần phát triển cộng đồng, hình thành và giữ gìn bản sắc, xây dựng sự gắn kết xã hội… Suy nghĩ và hành vi của mỗi người chịu ảnh hưởng bởi hai yếu tố cá nhân và môi trường xã hội và hai hình thức định hướng là điều chỉnh và chế tài.
Thứ nhất, những hành động được điều chỉnh theo quy định của pháp luật, theo những quy phạm pháp luật, chịu những chế định cụ thể. Đây là cách định hướng bề nổi vì chúng có thể được nhận diện rõ ràng. Mọi người dân sống trong xã hội đều phải tuân thủ những điều được quy định trong Hiến pháp và pháp luật. Nếu vi phạm những điều đó, con người sẽ phải chịu xử phạt theo các chế tài. Đây là những quy định theo hình thức mang tính chất bắt buộc và góp phần định hướng hoạt động của con người trong hoạt động thực tiễn với mục đích bảo vệ và bảo đảm sự công bằng giữa mọi người.
Thứ hai, những ảnh hưởng ngầm không được công nhận theo hướng chính thức ở bề nổi và khó nhìn thấy được. Đó là các thông lệ, thói quen và các “luật bất thành văn” góp phần hình thành nên văn hóa ứng xử, bởi quan niệm “trăm cái lý không bằng một tý cái tình” trong văn hóa Việt Nam. Trong cách tư duy của người Việt, cái tình luôn có tác động mạnh và trực tiếp đến hành vi của con người. Trong một xã hội như vậy, những hành động thể hiện nhân tính, tình người được đánh giá cao, được tôn vinh. Bởi vậy, để có được sự ủng hộ của cộng đồng trong quá trình phát trình phát triển xã hội, việc tác động đến tình cảm của con người là rất quan trọng.
Trên cơ sở hai định hướng đó, văn hóa ứng xử được hình thành, phát triển và chi phối đến suy nghĩ, hành vi của con người trong xã hội. Tuy nhiên, văn hóa ứng xử vừa thể hiện những tác động, vừa được hoàn thiện theo sự phát triển xã hội. Do vậy, cần có cách nhìn khách quan để nhận diện những tác động của văn hóa ứng xử đến sự phát triển xã hội. Một số cách thức thể hiện sự tác động có thể kể đến là: Cách con người giao tiếp với nhau; cách con người thể hiện thái độ, hành vi; cách thích ứng của con người trong xã hội.
Điểm quan trọng nhất của văn hóa ứng xử tác động đến sự phát triển xã hội là cách con người giao tiếp với nhau. Xã hội được hình thành trên nhiều mối quan hệ khác nhau của con người, trong đó quan hệ giữa con người với con người là mối quan hệ cơ bản nhất. Để duy trì và phát triển nó, con người trao đổi thông tin, tác động, ảnh hưởng lẫn nhau thông qua phương tiện giao tiếp bằng ngôn ngữ, thể hiện qua lời nói, chữ viết, hay giao tiếp phi ngôn ngữ, thể hiện qua nét mặt, cử chỉ, trang phục… Qua đó, con người tạo mối liên hệ, sự tương tác và khẳng định sự tồn tại, sự sống của mình trong xã hội. Việc giao tiếp phổ biến nhất là bằng lời nói, “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” để duy trì mối quan hệ tốt đẹp này. Trong quá trình giao tiếp, cá nhân tự điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với các chuẩn mực xã hội và các quan hệ xã hội. Tuy nhiên, thực tế đời sống xã hội lại đang tác động nhiều chiều dẫn đến nhiều cách hiểu về chuẩn mực các quan hệ xã hội. Đây là hệ quả tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa, không chỉ riêng đối với Việt Nam.
Trong khi việc giao tiếp trực tiếp mặt đối mặt, người với người, lắng nghe và trao đổi làm cho cuộc sống trở nên phong phú với những cảm nhận tình người cụ thể, thì giao tiếp thông qua các thiết bị công nghệ, tuy có thể giúp con người vượt qua mọi khoảng cách địa lý, tạo được nhiều mối quan hệ giữa các cá nhân, tổ chức trên thế giới, tri thức được mở rộng, thúc đẩy sự gắn kết xã hội và sự đối thoại văn hóa nhưng lại dẫn đến sự khô cứng, thiếu những xúc cảm của con người, vì thế thông tin cũng thiếu sự kiểm chứng. Chính bởi vậy, những tin giả, hình ảnh giả… xuất hiện ngày càng nhiều, gây không ít tác động tiêu cực đến cuộc sống của con người.
Trong thời gian qua, những bình luận theo hiệu ứng “đám đông” trên các trang mạng xã hội ngày càng tràn lan. Không ít cá nhân thể hiện những quan điểm cực đoan, thái quá, thậm chí có những bình luận ác ý, phản cảm, bị các thế lực xấu lợi dụng để kích động, nhằm gây mất trật tự, an toàn xã hội, bất ổn chính trị... Hiện tượng trên cho thấy, nền tảng văn hóa đã và đang bị chi phối bởi các ứng xử cá nhân trong khi lối ứng xử cá nhân truyền thống lại đang bị mai một do tác động của toàn cầu hóa. Chính vì vậy, trong điều kiện xã hội mới, rất cần xây dựng lối ứng xử cá nhân phù hợp trên cơ sở nền tảng văn hóa truyền thống dân tộc vững chắc.
Ngoài ra, cách thức giao tiếp giữa con người với con người bằng hình thức phi ngôn ngữ, như trang phục, hành vi…, cũng có tác động mạnh đến xã hội, cách lựa chọn trang phục phù hợp không chỉ thể hiện phông văn hóa của cá nhân mà còn thể hiện sự tôn trọng đối với người khác. Từ góc độ này, có một thực tế hiện nay là sự phá cách trong thời trang một cách thái quá của một bộ phận giới trẻ đang tạo ra sự phản cảm, gây nhiều bức xúc trong xã hội.
Văn hóa ứng xử tác động đến sự phát triển xã hội thể hiện qua cách con người thể hiện thái độ, hành vi trong xã hội. Đây là cách thức con người thể hiện sự nhận thức và khả năng vận dụng những tri thức, giá trị văn hóa mà mình có được vào đời sống thực tiễn. Việc thể hiện thái độ và hành vi phản ánh nhận thức và cảm nhận của cá nhân về một hiện tượng cụ thể khi nó tác động trực tiếp đến bản thân, đồng thời kết quả của nó tác động đến xã hội, nhất là trong điều kiện hiện nay. Ví dụ như, những hoạt động thiện nguyện, như “Cặp lá yêu thương”, “Trao cơ hội đi học, cho cơ hội đổi đời”,… thể hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách” trong văn hóa Việt Nam là những điểm sáng thể hiện tình người trong mối quan hệ giữa con người với con người trong đời sống xã hội, thể hiện giá trị nhân văn của văn hóa ứng xử Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn về du lịch trên thế giới không chỉ bởi những danh thắng thiên nhiên mà còn bởi những giá trị văn hóa, con người Việt Nam. Chính hành vi thân thiện và thái độ mến khách đã góp phần quan trọng quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam ra thế giới, qua đó thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Như vậy, cách ứng xử của mỗi cá nhân, mỗi công dân Việt Nam trong quá trình hội nhập có tác động không nhỏ đến hình ảnh của đất nước với bạn bè thế giới.
Nền tảng văn hóa nói chung, văn hóa ứng xử nói riêng, còn tác động đến sự phát triển xã hội thể hiện qua cách thích ứng của con người trong xã hội. Con người là nguồn lực quan trọng thúc đẩy mọi sự phát triển. Không những vậy, việc tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của con người mang một giá trị quan trọng. Nếu như hai yếu tố trên thể hiện ra bề ngoài của con người, thì yếu tố tiếp nhận này phản ánh nội lực bên trong của mỗi con người.
Trong bối cảnh hiện nay, ngày càng có nhiều những hoạt động văn hóa mang tính chất quốc tế xuất hiện trong mọi hoạt động của xã hội từ giáo dục, sách báo, phim ảnh, truyền hình,… đây là cơ sở để người Việt có điều kiện giao lưu và tiếp biến văn hóa. Song, cần có một nền tảng văn hóa Việt Nam vững chắc để đối chiếu, so sánh và bảo vệ trong điều kiện mới. Trước tiên, nền tảng đó chính là văn hóa cá nhân. Những hiện tượng tiếp nhận và truyền bá các thông tin từ nước ngoài sai lệch hoặc tin giả đang xuất hiện ngày một nhiều là do thiếu hoặc yếu tư duy phản biện. Điều đó phản ánh sự thụ động trong cách thích ứng của cá nhân khi vội vàng tiếp nhận mà chưa rõ bản chất của sự vật, hiện tượng. Hệ quả là dẫn đến hiện tượng sùng ngoại một cách thái quá. Xu hướng ngược lại cũng là một cản trở và thể hiện việc thiếu nền tảng văn hóa ở cá nhân, đó là hiện tượng bài ngoại. Hai xu hướng này thể hiện tính chất cực đoan trong quan điểm khá rõ và tương đối dễ nhận diện. Xu hướng thứ ba là sự tiếp biến các yếu tố ngoại lai nhưng thiếu cơ sở vững chắc từ văn hóa dân tộcnên cũng tạo ra một sự lai căng, theo hướng “đám đông”.
3- Để phát huy được vai trò của văn hóa ứng xử trong phát triển xã hội, một số giải pháp cần được thực hiện đồng bộ, nhất quán trong thời gian tới là:
Thứ nhất, quan điểm, đường lối, chính sách cần theo kịp xu thế vận động của xã hội. Hiện nay, Việt Nam đang tích cực tham gia vào quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế về nhiều mặt, trong đó có văn hóa. Chúng ta cần thống nhất quan điểm là các trào lưu văn hóa từ phương Tây, từ các quốc gia phương Đông khác… có thể có điều kiện phát triển ở Việt Nam nếu không đi ngược lại với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.
Thứ hai, phạm vi của văn hóa nói chung, của văn hóa ứng xử nói riêng không thể chỉ sử dụng các biện pháp áp đặt để điều chỉnh, màcần có các biện pháp mềm để các yếu tố văn hóa ứng xử thấm sâu vào suy nghĩ và hành động của con người một cách tự nhiên. Và sự lồng ghép văn hóa ứng xử trong từng quan niệm, đo lường và thực hành này sẽ tất yếu dẫn đến sự phát triển toàn diện, công bằng và bền vững. Đặc biệt khi yếu tố văn hóa ứng xử được lồng ghép, thể hiện rõ trong các chính sách sẽ thúc đẩy tạo ra các biến đổi rộng lớn hơn để tạo ra một xã hội phát triển bền vững và toàn diện hơn.
Thứ ba, người dân cần được trang bị đầy đủ tri thức về văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa ứng xử nói riêng. Đây không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành giáo dục mà còn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của các phương tiện truyền thông nhằm tạo ra môi trường thuận lợi tác động tối ưu giúp con người hình thành và hoàn thiện nhân cách. Đặc biệt, các phương tiện truyền thông có khả năng truyền bá, phổ cập rộng rãi các yếu tố văn hóa tiến bộ giúp cho các cá nhân ứng xử với nhau một cách thân thiện, khoan dung và tích cực hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống.
Thứ tư, tạo điều kiện, môi trường tốt cho việc tiếp nhận, thích ứng và hiện thực hóa các tri thức văn hóa. Vì việc thống nhất và phù hợp giữa những tri thức với thực tiễn xã hội có sự khác nhau nhất định nên việc tạo dựng được môi trường xã hội để những giá trị ứng xử được kiểm chứng là điều kiện tốt nhất để cá nhân thể hiện được văn hóa ứng xử của bản thân. Một cá nhân có thể thay đổi cách suy nghĩ, lối sống trong một thời gian ngắn, những biểu hiện của văn hóa ứng xử có thể thay đổi do các yếu tố về thời gian, về thể chế hay điều kiện kinh tế nhưng bản chất văn hóa ứng xử của một dân tộc thì không dễ gì thay đổi và luôn cần được gìn giữ.
Văn hóa ứng xử là một biểu hiện của sự phát triển xã hội. Tuy nhiên, xu hướng vận động, phát triển của văn hóa ứng xử cũng chịu tác động mạnh mẽ từ sự vận động, phát triển của xã hội. Từng cá nhân, từng thành viên của xã hội đều là những người góp phần phát triển văn hóa ứng xử, do đó việc xây dựng nền tảng văn hóa cá nhân vững chắc là nhu cầu tất yếu trong quá trình phát triển xã hội hiện nay ở Việt Nam./.
1. C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, 1996, Hà Nội, t. 27, tr. 657
2. Phạm Xuân Nam: Văn hóa và kinh doanh, Nxb. Khoa học xã hội, 1996, Hà Nội, tr. 34
3. Nguyễn Thanh Tuấn: Văn hóa ứng xử Việt Nam hiện nay, Nxb. Từ điển bách khoa và Viện Văn hóa, Hà Nội, 2008, tr. 36
#HHĐ# SƯU TẦM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét