Thứ Hai, 29 tháng 6, 2020

Phát huy tối đa các nguồn lực, tạo sức bật mới cho nền kinh tế


QĐND - Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội dành thêm một ngày (15-6) thảo luận về đánh giá bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020.

 Triển khai các giải pháp tài khóa bảo đảm an sinh xã hội, góp phần khôi phục sản xuất, kinh doanh

 Việt Nam có nhiều khả năng trở thành nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới trong năm 2020


Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị, cần chuẩn bị các điều kiện tốt nhất, sẵn sàng thu hút và tiếp nhận các dự án đầu tư, tạo sức bật mới cho nền kinh tế đất nước.
Đón làn sóng đầu tư mới
Đánh giá kết quả thu ngân sách Nhà nước, tăng trưởng GDP của quý I-2020 khả quan so với tình hình của khu vực và thế giới, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (đoàn Nghệ An) cho rằng, đây chính là cơ hội để chúng ta tập trung phát triển kinh tế nhanh hơn, vấn đề đặt ra là tranh thủ cơ hội này như thế nào, nhất là việc đón đầu làn sóng đầu tư từ nước ngoài. “Cơ hội này không chỉ đến với nước ta mà còn với một số nước khác, vì vậy, chúng ta cần phải có những chính sách và sự hỗ trợ kịp thời để thu hút làn sóng đầu tư trên cơ sở điều chỉnh cơ cấu đầu tư hợp lý, thu hút một cách có chọn lọc, không phải bằng mọi giá”, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền bày tỏ. Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, trong thu hút đầu tư phải bảo đảm lợi ích quốc gia, sự bình đẳng cho doanh nghiệp, có kế hoạch cụ thể, chủ động lựa chọn đầu tư ở đâu, lĩnh vực nào trong quy hoạch của từng ngành, từng vùng và cả nước. Đồng thời, cần quan tâm đến các nhà đầu tư đã và đang tiếp tục triển khai ở nước ta bởi thực tế vẫn còn những dự án đã được cấp phép nhưng quá trình thực hiện gặp khó khăn do chính sách, công tác giải phóng mặt bằng...
Phát huy tối đa các nguồn lực, tạo sức bật mới cho nền kinh tế
Quốc hội thảo luận tại hội trường về phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước. Ảnh: QUANG ANH. 
Để đón các dự án mới khi Việt Nam trở thành điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) cho rằng, cần quan tâm đến đáp ứng đủ nguồn lao động, nhất là lao động kỹ thuật. Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung cho biết, dự báo từ nay đến hết năm, thị trường lao động đang cần khoảng 60.000 lao động kỹ thuật, nhưng theo 80% số doanh nghiệp được khảo sát, họ rất khó tìm lao động chất lượng. Không có lao động tay nghề cao là cản trở lớn trong việc vượt lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu. “Muốn nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, Việt Nam phải tăng năng suất lao động. Ngay từ bây giờ, cần huy động sự tham gia của toàn xã hội đối với việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Nhà nước cần có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia tích cực và luôn song hành cùng nhà trường trong lĩnh vực này”, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung chia sẻ.
Cùng với quan tâm đến thu hút đầu tư nước ngoài, đại biểu Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng) cũng lưu ý đến việc phát huy nội lực của các doanh nghiệp trong nước, góp phần nhanh chóng khôi phục nền kinh tế. Trong đó, cần khắc phục tình trạng thủ tục đầu tư còn phức tạp, kéo dài, nhiều quy định pháp luật chưa thống nhất, gây nên sự lúng túng, dè chừng, đùn đẩy của các cơ quan chức năng khi thẩm định, xem xét, giải quyết các thủ tục, khiến doanh nghiệp hụt hơi, nản chí.
Làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, cùng với thành công trong khống chế dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế đất nước đã từng bước khôi phục lại và tương đối hiệu quả như sản xuất công nghiệp, chế biến, chế tạo... Những vấn đề lớn mà Bộ Công Thương sẽ tập trung trong thời gian tới để đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường, trước hết là phải củng cố và tổ chức lại các chuỗi cung ứng cho sản xuất công nghiệp, tránh phụ thuộc vào một số thị trường. Bên cạnh đó, tập trung thúc đẩy phát triển xuất khẩu, tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã ký cũng như khai thác các thị trường thuận lợi và tiềm năng. Đồng thời, tập trung kích cầu tiêu dùng trong nước gắn với đẩy nhanh tái cơ cấu thị trường và phát triển thương mại điện tử để thúc đẩy kết nối giữa các nhà sản xuất, nhà phân phối với thị trường.
Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông
Một trong những giải pháp để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội được nhiều đại biểu đề xuất là triển khai nhanh các dự án cơ sở hạ tầng. Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) đề nghị, cần dành thêm nguồn lực đầu tư cho những dự án hạ tầng chiến lược, có vai trò kết nối vùng, liên vùng như đường cao tốc, sân bay, bến cảng, hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, thương mại điện tử.
Phát huy tối đa các nguồn lực, tạo sức bật mới cho nền kinh tế
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) phát biểu tại phiên thảo luận về phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước. Ảnh: QUANG ANH. 
Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) nhìn nhận, giao thông là huyết mạch của quốc gia nhằm phát huy cao nhất hiệu quả chung của chính sách về đầu tư liên kết vùng. Liên hệ đến thực tế của khu vực Tây Nguyên, đại biểu mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm mạnh mẽ và thiết thực hơn cho phát triển hệ thống giao thông của vùng bởi giao thông ở đây còn hạn chế, không có đường sắt, đường thủy liên vùng, hàng không chưa được đầu tư xứng tầm, nhiều dự án đường bộ thực hiện dở dang. Nếu được quan tâm, đầu tư đúng mức về cơ sở hạ tầng giao thông sẽ tạo một bước đột phá trong phát triển kinh tế Tây Nguyên, giúp khu vực này vươn lên mạnh mẽ.
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (đoàn Cần Thơ) nêu rõ một số dự án hạ tầng giao thông đang vướng mắc ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu. Dự án này sau 13 năm triển khai vẫn chưa hoàn chỉnh các hạng mục để khai thác hiệu quả. Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân đề nghị sử dụng nguồn vốn dư kế hoạch đã được bố trí cho dự án là hơn 1.500 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện các hạng mục còn lại. Ngoài ra, triển khai các dự án kết nối như từ cảng biển nối với đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận-Cần Thơ, tuyến đường cửa ngõ của vùng.
Chia sẻ với băn khoăn của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết, nhiều dự án giao thông trọng điểm trên khắp các vùng miền trên cả nước đang được Bộ GTVT quan tâm, nghiên cứu. Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đang tập trung cho đường vành đai 3, vành đai 4 TP Hồ Chí Minh kết nối với các tỉnh; đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Cần Thơ-Cà Mau, đường từ Củ Chi xuống Kiên Giang, đồng thời, nâng cấp Quốc lộ 1, Quốc lộ 60... Tại khu vực Đông Nam Bộ, sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ đường cao tốc nối TP Hồ Chí Minh với Tây Ninh, cao tốc nối Biên Hòa (Đồng Nai) với Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu), Quốc lộ 20, đường kết nối với sân bay quốc tế Long Thành. Còn tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, ngoài tuyến đường cao tốc Bắc-Nam đi qua địa bàn sẽ nghiên cứu và triển khai một số dự án kết nối như Quốc lộ 24, Quốc lộ 25, Quốc lộ 19. Bên cạnh đó, còn nhiều dự án khác đang được nghiên cứu, đề xuất ở Đồng bằng Bắc Bộ, khu vực Tây Bắc để có thể triển khai trong thời gian tới.
Phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế-xã hội
Đồng tình với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế đất nước, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) đề nghị, cần có những giải pháp đủ mạnh để thực hiện được mục tiêu này. Với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đại biểu cho rằng chưa đủ để chữa lành vết thương, ví dụ như tác động của chính sách hạ lãi suất chưa rõ nét, cần ban hành gói hỗ trợ lãi suất trung và dài hạn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh của các ngành như du lịch, hàng không. Bên cạnh đó, cần phấn đấu để đạt được mức lạm phát dưới 4%, vì đây là cam kết ổn định kinh tế vĩ mô, neo giữ niềm tin của người dân và các nhà đầu tư khi đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Liên quan đến chính sách tài khóa, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, bộ đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng phương án điều hành, đề xuất các giải pháp về tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, từ nay đến cuối năm, trong công tác điều hành ngân sách nhà nước cần chú ý triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, đẩy mạnh các giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, thu hồi nợ đọng thuế, phấn đấu thu ngân sách đạt mức cao nhất.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, nhiều đại biểu thống nhất với đề nghị của Chính phủ và kiến nghị đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp nội dung về chưa điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020 theo các nghị quyết của Quốc hội. Nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020. Chính phủ cần chủ động điều hành trên nguyên tắc của Luật Ngân sách nhà nước, giảm thu đồng thời với giảm chi tương ứng, trước hết phải tăng cường tiết kiệm chi, cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, đi công tác, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020. Các đại biểu Quốc hội cũng yêu cầu phải thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường quản lý tài sản công và tài chính công.

Không có nhận xét nào:

Toàn văn Bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khai mạc Hội nghị Trung ương 10 khoá XIII

[CAND] Sáng 18/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Thủ đô Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chủ trì Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành ...