Thực hiện chủ trương nới lỏng giãn cách xã hội để vừa chủ động phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa tận dụng thời cơ tái khởi động sản xuất, kinh doanh, nhiều điểm du lịch ở các địa phương an toàn đã chuẩn bị mở cửa trở lại phục vụ du khách. Dự kiến trong dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 sắp tới, du lịch nội địa sẽ tái khởi động ở nhiều địa phương. Điểm nhấn thu hút du khách tham quan, tìm hiểu trong dịp này chính là hệ thống các di tích lịch sử, bảo tàng chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang (CTCM và LLVT).
Hằng năm, vào dịp lễ mừng “Ngày hội non sông” 30-4 và Ngày quốc tế Lao động 1-5, hệ thống di tích, bảo tàng lịch sử CTCM và LLVT luôn là điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Sức sống của các di tích, bảo tàng như ngọn lửa cháy mãi, đến dịp được khơi nguồn lại bùng lên mạnh mẽ, tiếp thêm niềm tin, động lực nội sinh cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta mài sắc ý chí chiến đấu, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, chung tay xây dựng đất nước phát triển. Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các hoạt động mít tinh, kỷ niệm không thể tổ chức với quy mô lớn, nhưng ngành văn hóa, du lịch các đơn vị, địa phương vẫn có nhiều cách làm sáng tạo, tận dụng công nghệ thông minh và truyền thông để thổi bùng sức sống từ các di tích, bảo tàng lịch sử, khơi dậy niềm tự hào to lớn trong đời sống xã hội.
Các đại biểu dự Đại hội Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Quân đội lần thứ IX tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (tháng 11-2017). Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn |
Một trong những niềm hạnh phúc của thế hệ hôm nay là chúng ta vẫn còn được gặp gỡ, tiếp xúc với rất nhiều nhân chứng lịch sử. Đó là những Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVT nhân dân, người có công, các cựu chiến binh… Những câu chuyện, ký ức chiến tranh được tái hiện sinh động, chân thực từ người thật, việc thật, tương tác cùng các hình ảnh, hiện vật giúp thế hệ hôm nay được sống cùng lịch sử, tự hào với truyền thống cha ông. Đó cũng chính là những chất liệu sinh động bổ sung, làm phong phú thêm nguồn sử liệu vô giá, tăng thêm sức sống mãnh liệt từ hệ thống công trình lịch sử và di sản văn hóa quốc gia về CTCM và LLVT.
45 năm đã trôi qua kể từ ngày đất nước thống nhất, dấu tích chiến tranh trên các vùng quê cách mạng, trên chiến trường xưa đã được “đổi thịt, thay da”. Những mất mát, hy sinh của các thế hệ đồng bào, chiến sĩ đã được Đảng, Nhà nước ta ghi công, quan tâm tri ân sâu sắc. Dù không có bất cứ tài sản gì có thể bù đắp được xương máu của hàng triệu đồng bào, chiến sĩ, nhưng chính lòng yêu nước, căm thù giặc, khát vọng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và đức hy sinh của nhân dân ta là nhân tố tự làm lành vết thương chiến tranh từ mỗi gia đình, dòng họ. Truyền thống đấu tranh anh hùng, bất khuất của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ kính yêu và Đảng Cộng sản Việt Nam, đã kết tinh thành giá trị lịch sử, di sản văn hóa quốc gia. Bên cạnh di sản văn hóa tinh thần là lòng yêu nước, lòng trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc của các thế hệ đồng bào, chiến sĩ; hệ thống di sản văn hóa vật thể về CTCM và LLVT hiện diện khắp đất nước chính là những chứng nhân lịch sử, là tài sản vô giá. Tại các địa phương khắp cả nước hiện có hàng trăm bảo tàng, hàng nghìn di tích lịch sử CTCM và LLVT đã được xếp hạng, cùng rất nhiều công trình, di tích đang được trùng tu, phục dựng. Nhiều di tích, hiện vật lịch sử đã trở thành Quốc bảo. Sức sống từ hệ thống di tích, bảo tàng lịch sử CTCM và LLVT là thông điệp kiêu hãnh của niềm tự hào dân tộc, khẳng định vị thế đất nước trên trường quốc tế, lưu truyền giá trị bản sắc dân tộc đến muôn sau…
#LTH#
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét