Thực hiện chủ trương xây dựng Cụm kinh tế – khoa học – dịch vụ (DK1), từ ngày 22 đến 27 tháng 6 năm 1989, Tổng cục Dầu khí phối hợp với Bộ Tư lệnh Công binh tiến hành lắp dựng xong nhà giàn đầu tiên tại bãi ngầm Tư Chính.
1. TƯ CHÍNH
Bãi ngầm Tư Chính nằm ở trong giới hạn khoảng từ vĩ độ 07029’03’’N – 07033’20’’N và kinh độ 109037’730’’E – 109054’58’’E, cách bãi Quế Đường 55 hải lý về phía Tây Nam. Điểm nhô cao nhất của bãi Tư Chính sâu cách mặt nước khoảng 16m, vị trí cách Vũng Tàu khoảng 229 hải lý về phía Đông Nam. Bãi ngầm Tư Chính có vị trí rất quan trọng trong xây dựng, phát triển kinh tế biển và công tác quản lý chủ quyền vùng biển trên khu vực DKI; phạm vi bãi ngầm trong khoảng độ sâu 16m đến độ sâu 200m có độ dài khoảng 57km, chiều rộng nơi rộng nhất khoảng 13km, hướng phát triển chạy dài theo hướng Đông Bắc – Tây Nam. Tư Chính là bãi ngầm lớn, ở cạnh đường hàng hải quốc tế, nên có vị trí rất quan trọng đối với việc tổ chức lực lượng thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trên biển và quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển của Tổ quốc.
Thực hiện chủ trương xây dựng Cụm kinh tế – khoa học – dịch vụ (DK1), từ ngày 22 đến 27 tháng 6 năm 1989, Tổng cục Dầu khí phối hợp với Bộ Tư lệnh Công binh tiến hành lắp dựng xong nhà giàn đầu tiên tại bãi ngầm Tư Chính (tên địa danh hành chính là Trạm kinh tế – khoa học – dịch vụ Tư Chính, thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Nhà giàn Tư Chính A (DKI/1) thiết kế theo kiểu chôn cột giàn khoan, đặt ở vùng nước sâu 23m, chiều cao công trình là 39,5m, cách mặt nước biển lúc triều cường là 11m; tháng 11 năm 1990, Nhà nước tiếp tục dựng lắp tại đây Trạm kinh tế – khoa học – dịch vụ Tư Chính B (nhà giàn DKI/5). Ngay sau khi xây dựng xong ngày 2 tháng 11 năm 1990, một khung cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DKI/5 đã tiếp nhận và tiến hành các nhiệm vụ chốt giữ, bảo vệ. Ngày 5 tháng 8 năm 1994, khung đơn vị nhà giàn DKI/11 tiếp nhận Trạm kinh tế – khoa học – dịch vụ Tư Chính C (nhà giàn DKI/11). Ngày 8 tháng 8 năm 1994, khung đơn vị nhà giàn DKI/12 tiếp nhận Trạm kinh tế – khoa học – dịch vụ Tư Chính Đ (nhà giàn DK1/12). Ngày 20 tháng 4 năm 1995, khung đơn vị nhà giàn DKI/14 tiếp nhận Trạm kinh tế – khoa học – dịch vụ Tư Chính E (nhà giàn DK1/14).
Như vậy liên tục từ năm 1989 đến 1995, Nhà nước ta xây dựng 5 trạm dịch vụ trên bãi ngầm Tư Chính. Kết cấu của nhà vững chắc, có thể chống chọi, chịu đựng sóng trên cấp 12. Đến năm 1999, sau gần 10 năm dựng lắp và hoạt động trong môi trường tự nhiên phức tạp, nhà Trạm dịch vụ Tư Chính B (DKI/5) xuống cấp không đảm bảo an toàn, toàn bộ khung nhà giàn DKI/5 rút vào bờ và tháng 12 năm 1999 Trạm dịch vụ Tư Chính B bị sóng đánh đổ xuống biển. Sau nhà Trạm DKI/5 là Trạm dịch vụ Tư Chính E (DKI/14) cũng bị sóng đánh làm nhà bị nghiêng. Tháng 12 năm 1999, bộ đội khung nhà giàn (DKI/14) rút vào bờ và các đơn vị kỹ thuật của Nhà nước khẩn trương tu sửa, gia cố nhà Trạm Tư Chính E. Sau khi hoàn thành gia cố, năm 2001 bộ đội khung nhà giàn (DKI/14) tiếp tục trở lại chốt giữ, bảo vệ Trạm dịch vụ Tư Chính E.
Đặc điểm nổi bật của khu vực Tư Chính là nằm cạnh đường hàng hải quốc tế là khu vực biển hoạt động nhạy cảm và hết sức phức tạp, “nước ngoài” thường xuyên sử dụng tàu nghiên cứu, tàu cải dạng, tàu chiến vào thăm dò địa chấn, trinh sát, quấy rối, vi phạm chủ quyền của ta. Ngoài ra, có nhiều tàu cá Trung Quốc, Hồng Công, Philippines, xuống đánh bắt trái phép hải sản khu vực này. Hoạt động của tàu nước ngoài tập trung nhiều vào các tháng 3, 4, 5 và tháng 9 tháng 10, thời kỳ sóng yên, biển lặng. Bởi vậy, công tác sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ các nhà trạm Tư Chính luôn căng thẳng, đặt ra yêu cầu rất cao.
2. PHÚC NGUYÊN
Bãi Phúc Nguyên nằm ở trong khoảng vĩ độ từ 07048’10’’N – 07055’00’’N và kinh độ 109055’55’’E – 100000’00’’E; cách Vũng Tàu khoảng 225 hải lý về phía Đông Nam. Tiếp giáp với bãi ngầm Phúc Nguyên về phía Tây Nam là bãi ngầm Tư Chính; phía Đông là bãi ngầm Quế Đường; phía Đông Bắc là bãi ngầm Phúc Tần và phía Đông Đông Bắc là bãi ngầm Huyền Trân.
Bãi ngầm Phúc Nguyên, theo truyền thuyết kể lại là Nguyễn Phúc Nguyên, con thứ sáu của đức Triệu Tổ Nguyễn Hoàng và Hoàng hậu họ Nguyễn, ngài sinh ngày 28 tháng 7 năm Quý Hợi (16-8-1563), khi Hoàng hậu có thai chiêm bao thấy thần nhân cho tờ giấy viết đầy cả chữ “Phúc”, nhiều người đã đề nghị bà lấy chữ “Phúc” đặt tên con thì bà cho rằng nếu đặt tên con thì chỉ một người được hưởng phúc, bà bèn đặt tên con là Nguyễn Phúc Nguyên; bãi Phúc Nguyên là một bãi thoải không đều, nằm chìm dưới mực nước biển, điểm nhô cao nhất nằm cách mặt nước khoảng 18m, điểm nhô thấp nhất nằm sâu cách mặt nước tới 200m. Từ độ sâu trên 200m trở ra, độ sâu của đáy biển biến đổi nhanh và có độ dốc rất lớn. Phạm vi nằm ở độ sâu khoảng từ 16-200m, bãi ngầm Phúc Nguyên có chiều dài khoảng 30km, chiều rộng nơi rộng nhất khoảng 21km, phát triển chạy dài theo hướng Đông Bắc – Tây Nam, đặt ở vị trí độ sâu mực nước trung bình 21m. Đầu tháng 12 năm 1998, cơn bão số 8 một cơn bão mạnh tràn qua vùng biển DKI. Nằm trong khu vực trọng điểm của bão, trong tình thế hiểm nghèo, dưới sự chỉ huy của đồng chí Trạm trưởng, Đại úy Vũ Quang Chương, cùng với 8 cán bộ QNCN của nhà giàn DKI/6 Phúc Nguyên đã kiên trì bám trụ, liên tục giữ vững thông tin liên lạc và báo cáo chính xác mọi diễn biến về Sở chỉ huy; bình tĩnh, dũng cảm chống chọi với bão; dự kiến những tình huống xấu nhất có thể xảy ra và tìm mọi biện pháp nhằm giảm thấp nhất thiệt hại về người và trang bị. Giữa biển khơi mênh mông, đêm tối mịt mù, với sóng, gió, vừa mệt, vừa đói và rét, 9 cán bộ, nhân viên nhà giàn – một tập thể vẫn kiên cường, với tinh thần còn người, còn nhà trạm, kiên quyết bám trụ bảo vệ nhà giàn đến cùng. Trong một thời gian dài, liên tiếp gồng mình chống chọi với những trận cuồng phong; những cơn sóng lớn, đỉnh sóng cao 14-15m đánh mạnh trùm kín qua cả sàn công tác của nhà giàn, cùng với sức gió giật mạnh làm cho nhà giàn bị rung chấn dữ dội và nghiêng, lắc mạnh. Vào lúc 3 giờ sáng ngày 14 tháng 12 năm 1998, thời điểm mà sức mạnh và sự tàn phá của bão số 8 lên đến đỉnh điểm, cũng là lúc nhà giàn DKI/6 Phúc Nguyên bị đổ, cả 9 đồng chí của nhà giàn bị hất tung xuống biển. Ngay sau đó, lực lượng tàu trực cấp cứu của Hải quân đã khẩn trương, tích cực tổ chức tìm kiếm, cấp cứu những cán bộ, chiến sĩ bị nạn trong cơn bão; đến 3 ngày sau tàu HQ 606 đã phát hiện, cấp cứu được 6 đồng chí, còn lại 3 đồng chí là: Đại úy, trạm trưởng Vũ Quang Chương; Chuẩn úy chuyên nghiệp Rađa Lê Đức Hồng và Chuẩn úy chuyên nghiệp cơ điện Nguyễn Văn An mãi mãi ở lại với biển khơi, thi thể các anh đã hóa thân vào với sóng, gió, nước của đại dương mênh mông, nhưng tinh thần quả cảm, tấm gương anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ nhà giàn, bảo vệ chủ quyền, vùng biển, thềm lục địa của Tổ quốc mãi mãi in đậm trong nỗi tiếc thương, sự cảm phục và cả niềm kiêu hãnh của cán bộ, chiến sĩ Hải quân. Sau khi nhà giàn DKI/6 bị đổ, tháng 4 năm 1995, Trạm kinh tế – khoa học – dịch vụ Phúc Nguyên 2 (DKI/15) được xây dựng tại vĩ độ 07048’10’’N và kinh độ 109055’55’’E tại bãi cạn Phúc Nguyên. Công trình có chiều cao 47,45m, tổng diiện tích 310m2, tổng trọng lượng công trình 493 tấn; từ đây trên bãi cạn Phúc Nguyên, nhà giàn DKI/15 tiếp tục sứ mệnh lịch sử làm nhiệm vụ chốt giữ, bảo vệ nhà trạm và vùng biển, vùng trời được phân công.
Để cải thiện đời sống, nâng cao chất lượng bữa ăn của cán bộ nhân viên nhà giàn, ngoài chế độ, tiêu chuẩn được cung cấp theo đặc thù, nhà giàn thường xuyên chú trọng đẩy mạnh tăng gia trồng rau xanh và đánh bắt hải sản. Nhà giàn, được trên cấp các khay trồng rau, đất màu và con giống theo định lượng đầu người, theo tàu từ đất liền chở ra. Trong điều kiện không gian chật hẹp, rau xanh được trồng trong các khay gỗ, khay nhựa và đặt ở những nơi không gian tận dụng như hành lang, cầu thang, các ô cửa… của trạm; hàng ngày, nước thải trong sinh hoạt được tận dụng triệt để dùng cho tưới rau. Ở đây, rau xanh được trồng đủ các loại, song chủ yếu là rau cải, rau dền, bầu, bí… mỗi năm thu hoạch được từ 300 đến gần 600kg rau xanh các loại. Do đó, nhà giàn Phúc Nguyên không những cơ bản khắc phục được tình trạng thiếu rau xanh trong bữa ăn hàng ngày, mà còn giành một phần hỗ trợ cho cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị tàu làm nhiệm vụ trực trong khu vực.
3. PHÚC TẦN
Bãi ngầm Phúc Tần nằm ở trong khoảng vĩ độ từ 08004’24’’N – 08009’44’’N và kinh độ 110028’10’’E – 110035’47’’E, cách bãi ngầm Quế Đường 22 hải lý về phía Bắc. Bãi Phúc Tần, Huyền Trân hợp với nhau thành một nhóm, điểm nhô cao nhất của Phúc Tần dưới mặt nước khoảng 5,5m, cách Vũng Tàu khoảng 243 hải lý về phía Đông Nam. Phạm vi bãi ngầm trong khoảng độ sâu 5,5m đến độ sâu 200m, có chiều dài khoảng 28km, chiều rộng nhất khoảng 26km, hướng phát triển cánh cung, đầu nhô cánh cung theo hướng Đông Bắc – Tây Nam.
Tương truyền kể lại rằng, Thái Tông Hiếu Triết Hoàng Đế húy là Nguyễn Phúc Tần, con thứ hai của đức Thần Tông Nguyễn Phúc Lan và Hoàng hậu họ Đoàn (không rõ tên). Ngài sinh ngày 19 tháng 6 năm Canh Thân (18-7-1620). Lúc làm Thế tử, ngài được phong là Thái phó Dũng Lễ Hầu. Ngài là một võ tướng có tài. Năm Giáp Thân (1644) ngài đốc suất các chiến thuyền vây đánh ba chiếc tàu của người Hà Lan tại cửa Eo làm thuyền trưởng phải tự tử, hai chiếc bỏ chạy, một chiếc bị va vào đá ngầm chìm, đức Thần Tông mừng và khen rằng: “Trước kia Tiên quân ta đã từng đánh phá giặc biển, nay con ta cũng lại như thế, ta không lo gì nữa”.
Thực hiện chủ trương xây dựng Cụm kinh tế – khoa học – dịch vụ (DK1), ngày 10 đến 15 tháng 6 năm 1989, Bộ Giao thông – Vận tải phối hợp với Bộ Tư lệnh Công binh tiến hành dựng lắp xong nhà giàn đầu tiên tại bãi ngầm Phúc Tần (tên địa danh hành chính là Trạm kinh tế khoa học – dịch vụ Phúc Tần, thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Nhà giàn Phúc Tần (DKI/3) có diện tích sử dụng là 144m2, cách mặt nước biển lúc triều cường là 10,5m.
Đầu tháng 12 năm 1990, cơn bão số 10 tràn qua khu vực DKI với gió mạnh cấp 10, cấp 11. Đêm ngày 4 tháng 12 năm 1990, nhà giàn Phúc Tần bị sóng dâng cao 14-15m đánh nghiêng 150, phá vỡ các sàn ghi tầng dưới và đến hơn 2 giờ ngày 5 tháng 12, toàn bộ khối nhà bị đổ xuống biển. Lúc này Trạm trưởng nhà giàn là Trung úy Bùi Xuân Bổng; Trạm phó Chính trị là Trung úy Nguyễn Hữu Quảng đã bình tĩnh chỉ huy bộ đội sử dụng các phao, xuồng cứu sinh rời nhà và thường xuyên điện báo về Sở chỉ huy, đến phút cuối cùng mới rời vị trí. Sau khi nhận được điện báo nhà giàn Phúc Tần bị đổ, Quân chủng Hải quân đã lệnh cho các tàu trực trên khu vực HQ711, HQ713, HQ965 khẩn trương đến cấp cứu bộ đội. Cuộc tìm kiếm từ 6 giờ 30 phút đến 19 giờ ngày 5 tháng 12 tàu HQ711 đã phát hiện cấp cứu được 5 cán bộ, chiến sĩ trong đó có đồng chí Trạm trưởng. Các ngày tiếp theo Quân chủng tiếp tục đưa tàu HQ07, HQ11, HQ682 đi tìm kiếm 3 đồng chí còn lại. Do sóng to, gió lớn việc cứu nạn rất khó khăn, các tàu đã không tìm thấy các đồng đội của mình bị sóng đánh trôi dạt. 3 cán bộ, chiến sĩ của nhà giàn Phúc Tần, Trung úy Nguyễn Hữu Quảng, Trạm phó Chính trị người con của thủ đô Hà Nội; Trung úy chuyên nghiệp Trần Văn Là, quân y sĩ và Hạ sĩ Hồ Văn Hiền, nhân viên cơ điện, mãi mãi ở lại với biển cả, các anh đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ thềm lục địa phía Đông Nam của Tổ quốc.
Tháng 8 năm 1993, Nhà nước tiếp tục xây dựng Trạm kinh tế – khoa học – dịch vụ Phúc Tần A (DKI/2) cách trạm cũ 3,5 hải lý; tháng 8 năm 1996 dựng lắp xong Trạm kinh tế – khoa học – dịch vụ Phúc Tần B (DKI/16) và DKI/17); tháng 4 năm 1997 dựng lắp xong trạm Phúc Tần Đ (DKI/18). Như vậy liên tục từ năm 1993 đến năm 1997, Nhà nước ta xây dựng 4 trạm trên bãi ngầm Phúc Tần, trị giá gần 60 tỉ đồng. Đây là các nhà trạm, được thiết kế, chế tạo nội thất đáp ứng ngày càng hiệu quả hơn cho các hoạt động của trạm cùng với việc tăng cường các trang bị kỹ thuật đảm bảo cho các nhu cầu sinh hoạt, công tác của bộ đội cũng như các hoạt động bảo đảm hàng hải. Kế cấu của nhà vững chắc, có thể chống chọi, chịu đựng sóng trên cấp 12.
Đặc điểm nổi bật của khu vực biển Phúc Tần nói riêng là khu vực biển hoạt động nhạy cảm và hết sức phức tạp, nước ngoài thường xuyên sử dụng tàu nghiên cứu, tàu cải dạng, tàu chiến, tàu cá vào thăm dò địa chấn, trinh sát, quấy rối, vi phạm chủ quyền của ta. Ngoài ra, có nhiều tàu cá Hồng Công, Philippines, xuống đánh bắt trái phép hải sản khu vực này. Hoạt động của tàu nước ngoài tập trung nhiều vào các tháng 3, 4, 5 và tháng 9 tháng 10, thời kỳ sóng yên, biển lặng. Bởi vậy công tác sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ các nhà trạm Phúc Tần luôn căng thẳng, đặt ra yêu cầu rất cao.
4. HUYỀN TRÂN
Bãi Huyền Trân hợp với Phúc Tần thành một nhóm. Bãi Huyền Trân nằm về phía Nam Phúc Tần nằm ở vĩ độ 08001’30’’N và kinh độ 110037’10’’E, điểm nhô cao nhất của Huyền Trân dưới mặt nước khoảng 5,5m, cách Vũng Tàu khoảng 253,5 hải lý về phía Đông Nam. Phạm vi bãi ngầm trong khoảng độ sâu 5,5-200m, có chiều dài khoảng 28km, chiều rộng nhất khoảng 26km, hướng phát triển cánh cung, đầu nhô cánh cung theo hướng Đông Bắc – Tây Nam.
Truyền thuyết kể lại, Huyền Trân, bà sinh vào năm 1287, một công chúa đời nhà Trần, là con gái của vua Trần Nhân Tông và là em gái vua Trần Anh Tông. Năm 1306, Huyền Trân được gả cho vua Chiêm Thành (Champa) là Chế Mân (tiếng Phạn: Jaya Sinhavarman III) để đổi lấy hai châu Ô, Lý (từ đèo Hải Vân, Thừa Thiên đến phía Bắc Quảng Trị ngày nay). Vào năm 1293, vua Trần Nhân Tông thoái vị, Hoàng thái tử Trần Thuyên lên nối ngôi (tức là Hoàng đế Trần Anh Tông). Vua Trần Nhân Tông trở thành Thái thượng hoàng, lên tu ở núi Yên Tử. Năm 1301, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông nhận lời mời, du ngoạn vào Chiêm Thành, được vua Chiêm Thành là Chế Mân tiếp đãi nồng hậu, có ở lại trong cung điện Chiêm Thành gần 9 tháng. Khi ra về, Trần Nhân Tông có hứa gả con gái là Huyền Trân cho Chế Mân, mặc dù khi đó Chế Mân đã có chính thất là Hoàng hậu Tapasi, người Java (Nam Dương ngày nay). Sau đó nhiều lần Chế Mân sai sứ sang hỏi về việc hôn lễ, nhưng triều thần nhà Trần phản đối, chỉ có Văn Túc Vương Đạo Tái và Nhập nội hành khiển Trần Khắc Chung chủ trương tán thành.
Thực hiện chủ trương xây dựng Cụm kinh tế – khoa học – dịch vụ (DK1), tháng 6 năm 1989, Nhà nước đã tiến hành dựng lắp 3 trạm tại bãi ngầm Tư Chính, Phúc Tần, Ba Kè. Đây là những vị trí quan trọng trên khu vực DKI. Năm 1990, ta dựng lắp thêm 1 trạm ở bãi ngầm Tư Chính và 1 trạm mới tại bãi ngầm Phúc Nguyên, đồng thời khẩn trương sửa chữa gia cố 3 trạm xây dựng năm 1989. Cuối năm 1991, Nhà nước tiếp tục triển khai dựng lắp 2 trạm dịch vụ mới tại 2 bãi ngầm Quế Đường, Huyền Trân để đẩy nhanh việc tổ chức khai thác hải sản và quản lý nguồn lợi biển trên khu vực DKI cũng như triển khai việc nghiên cứu theo dõi và thông báo khí tượng, hải văn cho quốc tế cùng với tăng cường các trang bị kỹ thuật bảo đảm hàng hải. Trạm kinh tế – khoa học – dịch vụ Huyền Trân (DKI/7) do Bộ Giao thông – Vận tải phối hợp với Bộ Tư lệnh Công binh dựng lắp và hoàn thành vào ngày 11 tháng 11 năm 1991. Nhà trạm Huyền Trân đặt ở vị trí có độ sâu từ mặt san hô lên đến mặt nước biển khoảng 12m; độ cao từ mặt nước biển lên tới sân thượng khoảng 15m. Đây là nhà trạm được thiết kế, chế tạo nội thất đáp ứng ngày càng hiệu quả hơn cho các hoạt động của trạm và các nhu cầu sinh hoạt, công tác của bộ đội cùng với việc tăng cường các trang bị kỹ thuật đảm bảo. Kết cấu của nhà có độ bền vững cao có thể chống chọi, chịu đựng sóng trên cấp 12. Ngay sau khi hoàn thành ngày 11 tháng 11 năm 1991, Khung nhà giàn Huyền Trân (DKI/7) đã trực tiếp ra tiếp nhận nhà trạm và nhanh chóng tiến hành các nhiệm vụ chốt giữ bảo vệ trạm, bảo vệ chủ quyền vùng biển khu vực bãi ngầm Huyền Trân.
5. QUẾ ĐƯỜNG
Bãi ngầm Quế Đường là một bãi ngầm thuộc thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc; nằm ở trong khoảng vĩ độ từ 07047’08’’N – 07048’37’’N và kinh độ 110027’11’’E – 110029’29’’E. Từ bãi Quế Đường đến Vũng Tàu khoảng 254 hải lý, đến đảo Tri Tôn quần đảo Hoàng Sa khoảng 481 hải lý, đến đảo Trường Sa khoảng 99 hải lý, đến bờ biển Malaysia khoảng 286 hải lý, đến đảo Natunapắc của Indonesia khoảng 233 hải lý, đến khu vực ranh giới ven biển Thái Lan và Malaysia khoảng 509 hải lý, đến bãi Phúc Nguyên khoảng 32 hải lý, đến Tư Chính khoảng 55 hải lý, đến bãi Phúc Tần khoảng 22 hải lý, đến Ba Kè khoảng 74 hải lý. Điểm nhô cao nhất của Quế Đường cách mặt nước khoảng 11m. Phạm vi bãi ngầm trong khoảng độ sâu 11m đến độ sâu 200m, có chiều dài khoảng 13km, chiều rộng nơi rộng nhất khoảng 7,5km, hướng phát triển chạy dài theo hướng Đông Bắc – Tây Nam.
Quế Đường là lấy theo tên phong truyền của Lê Quý Đôn, Lê Quý Đôn là con trai cả của ông Lê Trọng Thứ. Thân sinh của Lê Quý Đôn đậu tiến sĩ năm Bảo Thái thứ 2 (1721) và làm quan đến chức Hình Bộ Thượng Thư, được phong tước hầu. Thuở nhỏ, ông có tên là Danh Phương, đến năm 1743 sau khi đỗ giải nguyên trường Sơn Nam thì đổi thành Quý Đôn; tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường. Còn theo tên khoa học “Quế đường” là một loại giống mía mới.
Khí tượng, thủy văn ở bãi Quế Đường cũng rất phức tạp. Về mùa mưa từ cuối tháng 6 năm trước đến đầu tháng 2 năm sau hầu như ngày nào cũng có dông. Gió Tây Nam là chủ yếu, mạnh cấp 4 đến cấp 6 có lúc lên tới cấp 7, đặc biệt là vào những tháng 11, 12 và đầu tháng 1 năm sau, bãi ngầm chịu sóng cồn do đó làm tăng từ 1 đến 2 cấp sóng. Trong năm có 2 mùa sóng rõ rệt, phù hợp với hai mùa gió, thể hiện sự tương phản của hai hướng sóng đối lập nhau. Mùa đông, hướng sóng chiếm ưu thế là hướng Đông Bắc, sau đó lên Bắc hoặc Đông. Độ cao sóng trung bình từ khoảng 2m ÷ 2,5m, cực đại có thể lên đến 8m. Mùa hè, hướng sóng ưu thế là Tây Nam, sau đó đến Tây hoặc Nam, độ cao trung bình của sóng khoảng 1,5-1,7m, cực đại có thể đến 6m (không kể sóng trong bão). Trong các tháng chuyển tiếp (tháng 4 hoặc tháng 10), hướng sóng thay đổi theo hướng gió, không ổn định. Độ cao sóng trung bình tương đối nhỏ, khoảng 0,5m. Chế độ thủy triều ở bãi đá ngầm Quế Đường tuân theo chế độ nhật triều không đều, hàng ngày có 1 lần nước lên xuống; vào kỳ nước kém, trong ngày thường có 2 lần triều lên xuống. Vào kỳ nước cường, biên độ thủy triều lớn nhất trung bình khoảng 1,2-2m. Dòng chảy ở bãi đá ngầm Quế Đường là dòng chảy xoáy, đầu hè dòng chảy có hướng thịnh hành là Đông Bắc. Cuối mùa hè dòng chảy thịnh hành hướng Đông, vận tốc trung bình 0,2-0,4 hải lý/giờ. Thời kỳ chuyển mùa đông sang mùa hè dòng chảy thịnh hành là hướng Bắc, vận tốc trung bình 0,3-0,4 hải lý/giờ.
Nhà giàn Quế Đường là một trong 6 trạm nghiên cứu thuộc cụm kinh tế – khoa học và dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam. Theo sự phân chia địa quân sự thì Quế Đường là lô 5 trong 6 lô của khu vực dầu khí I (gọi tắt là DKI) và nằm ở trung tâm của khu vực DKI.
6. BA KÈ
Bãi ngầm Ba Kè nằm ở trong khoảng vĩ độ từ 07032’34’’N – 07053’37’’N và kinh độ 111032’34’’E – 111045’42’’E, gồm các Bãi Vũng Mây, Bãi Ba Kè, Bãi Đất, Bãi Đinh, các vị trí bãi ngầm này nằm trên cùng một khu vực bãi ngầm có độ sâu dưới mặt nước trong khoảng từ 3,2-100m; bãi ngầm nằm theo hướng Bắc Đông Bắc – Tây Tây Nam, vị trí cách bãi Quế Đường 74 hải lý về phía Đông. Chiều dài bãi ngầm khoảng chừng 50km; chiều rộng nơi rộng nhất khoảng 24km. Điểm bãi ngầm Ba Kè có độ sâu 3,2 dưới mặt nước, vị trí cách Vũng Tàu khoảng 579km về phía Đông Nam.
Ba Kè (địa danh căn cứ cách mạng). Tên địa danh Ba Kè thuộc thị trấn Cái Ngang, huyện Tam Bình, Vĩnh Long “Từ cuối năm 1946 đến cuối tháng 9-1949, các lực lượng vũ trang đánh địch hàng chục trận trên các tuyến lộ giao thông và đồn bót, giải phóng hoàn toàn huyện Tam Bình, thị trấn Cái Ngang, Ba Kè,… Đầu năm 1949, lần đầu tiên lực lượng vũ trang Vĩnh Long dùng súng bộ binh bắn tan xác một chiếc máy bay của địch tại quận lỵ Tam Bình”. Vai trò của Cái Ngang hiện rõ. Cái Ngang đã trở thành một điểm chiến lược quan trọng, mặc dù có vẻ trống trải. Các đơn vị lẻ tẻ của địch chưa dám dòm ngó đến từ nhiều năm liền.
Đặc điểm nổi bật của khu vực Ba Kè là khu vực biển hoạt động nhạy cảm và hết sức phức tạp, nước ngoài thường xuyên sử dựng tàu nghiên cứu, tàu cải dạng, tàu chiến vào thăm dò địa chấn, trinh sát, quấy rối, vi phạm chủ quyền của ta. Ngoài ra, có nhiều tàu cá Hồng Công, Philippines… xuống đánh bắt trái phép hải sản khu vực này. Hoạt động của tàu nước ngoài tập trung nhiều vào các tháng 3, 4, 5 và tháng 9 tháng 10, thời kỳ sóng yên, biển lặng. Bởi vậy công tác sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ các nhà trạm Ba Kè luôn căng thẳng, yêu cầu rất cao.
Thực hiện chủ trương xây dựng Cụm kinh tế – khoa học – dịch vụ (DK1), từ ngày 12 đến 16 tháng 6 năm 1989, Bộ Giao thông – Vận tải phối hợp với Bộ Tư lệnh Công binh tiến hành lắp dựng xong nhà giàn đầu tiên tại bãi ngầm Ba Kè (tên địa danh hành chính là Trạm kinh tế – khoa học – dịch vụ Ba Kè, thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Trạm Ba Kè A (DKI/4) thiết kế theo kiểu khung nhà liên kết với chân đế pông tông bơm bê tông đánh chìm, định vị bằng các cột bê tông chôn sâu xuống thềm san hô. Tháng 8 năm 1993, Nhà nước ta tiếp tục xây dựng Trạm kinh tế – khoa học – dịch vụ Ba Kè B (DKI/9) cách trạm cũ 7 hải lý. Ngày 22 tháng 8 năm 1993, 1 khung gồm 8 cán bộ, chiến sĩ nhà giàn (DKI/9) Tiểu đoàn DK1 ra tiếp nhận, chốt giữ bảo vệ Trạm kinh tế – khoa học – dịch vụ Ba Kè B tiếp tục làm nhiệm vụ là lực lượng tại chỗ bảo vệ nhà trạm và quản lý khu vực biển và vùng trời được phân công. Ngày 13 tháng 8 năm 1998, xây dựng xong Trạm kinh tế – khoa học – dịch vụ Ba Kè C (DKI/20) và 1 khung nhà giàn (DKI/20) ra tiếp nhận chốt giữ trạm Ba Kè C. Ngày 19 tháng 8 năm 1998 xây dựng xong trạm Ba Kè Đ (DKI/21) và khung nhà giàn (DKI/21) ra tiếp nhận chốt giữ trạm Ba Kè Đ. Như vậy, đến năm 1998, nhà nước ta xây dựng 4 trạm dịch vụ trên bãi ngầm Ba Kè. Kết cấu của nhà vững chắc, có thể chống chọi, chịu đựng sóng trên cấp 12.
7. CÀ MAU
Bãi Cà Mau (hay bãi cạn Cà Mau) là một bãi ngầm trong vịnh Thái Lan, nằm về phía tây nam mũi Cà Mau. Bãi Cà Mau là bãi ngầm rộng lớn, cách mũi Cà Mau 204km, hoặc cách130km nếu tính từ điểm giữa bãi ngầm này. Bãi này sâu từ 14,6 đến 18,3 m.
Năm 1994, Việt Nam cho lắp đặt tại đây một cấu trúc thép có tên là nhà giàn DK1, ký hiệu DK1/10. Nhà giàn là nơi đồn trú của binh sĩ thuộc biên chế Tiểu đoàn DK1, lúc đầu thuộc Lữ đoàn 171 Hải quân Nhân dân Việt Nam, về sau trực thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân. Về mặt hành chính, bãi Cà Mau thuộc phạm vi quản hạt của tỉnh Cà Mau.
Theo VNSEA.NET
#VN - Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét