[CAND] Là trung tâm chính trị - kinh tế của vùng trung du miền núi Đông Bắc, cửa ngõ giao lưu kinh tế - xã hội giữa vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc Bộ, Thái Nguyên cũng là địa bàn mà các phần tử xấu và thế lực thù địch tìm cách thâm nhập hoạt động, lôi kéo người dân tham gia tổ chức, hội nhóm tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật.
Trước tình hình đó, lực
lượng Công an tỉnh Thái Nguyên đã phát huy vai trò nòng cốt, tham mưu cấp uỷ,
chính quyền địa phương các giải pháp bảo đảm ANTT vùng đồng bào dân tộc thiểu số,
đấu tranh, xoá bỏ các "tà đạo" trên địa bàn.
Xoá
trắng "tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình"
Theo thống kê, tại Thái
Nguyên có gần 300 cơ sở, địa điểm sinh hoạt tôn giáo hợp pháp với hơn 160.000
tín đồ, người theo đạo; có 3 tôn giáo chính là Phật giáo, Tin lành và Công
giáo. Các địa điểm sinh hoạt tôn giáo tồn tại đan xen ở nhiều địa bàn khác nhau
nhưng đều hoạt động theo quy định của pháp luật, các chức sắc tôn giáo đều tham
gia đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Về đồng bào dân tộc thiểu
số trên địa bàn Thái Nguyên chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh, sinh sống tập trung
chủ yếu ở 5 huyện miền núi, vùng cao là Định Hoá, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ
và Đại Từ. Đặc thù phần lớn đồng bào cư trú phân tán, xen kẽ tại vùng núi với địa
hình chia cắt phức tạp, nhiều nơi có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế,
quốc phòng - an ninh, đời sống người dân còn khó khăn...
Trao đổi với phóng viên
Báo CAND, Thượng tá Đào Việt Anh, Phó Trưởng phòng An ninh nội địa Công an tỉnh
Thái Nguyên cho biết, xuất hiện từ năm 1989 đến nay, "tổ chức bất hợp pháp
Dương Văn Mình" đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình ANTT và đời sống
của đồng bào dân tộc Mông ở Thái Nguyên. Tính đến tháng 11/2021, trên địa bàn
còn 13 xóm, 6 xã của hai huyện Đồng Hỷ, Võ Nhai với 227 hộ, 1185 khẩu đồng bào
dân tộc Mông tin theo tổ chức bất hợp pháp này.
Tuy nhiên, với quyết
tâm chính trị cao nhằm đấu tranh, ngăn chặn, tiến tới xoá bỏ "tổ chức bất
hợp pháp Dương Văn Mình", lực lượng Công an tỉnh Thái Nguyên đã tham mưu cấp
uỷ, chính quyền địa phương và là lực lượng nòng cốt trong việc đấu tranh, xoá
trắng các điểm nhóm của tổ chức bất hợp pháp này, đến cuối năm 2022 đã tuyên
truyền vận động tháo dỡ 8/8 nhà đòn, giao nộp 106 phông chữ biểu tượng; vận động
các đối tượng cầm đầu, cốt cán ký cam kết từ bỏ tổ chức, đồng thời tuyên truyền,
vận động 100% số hộ, số khẩu ký cam kết từ bỏ.
Bóc
trần sự thật về "Bà Cô Dợ", tổ chức "Ân điển cứu rỗi"
Về hoạt động của đạo
"Bà Cô Dợ" là do Vừ Thị Dợ (SN 1977), người Mông gốc Lào, trú tại TP
Miwaukee, bang Wisconsin, Mỹ sáng lập năm 2016. Tổ chức này lợi dụng xuyên tạc
một số câu, điều trong Kinh thánh Cựu ước, Tân ước để giảng dạy, tuyên truyền đạo.
Vừ Thị Dợ tuyên truyền, con trai út của Dợ sinh ngày 23/11/2000 chính là Chúa
Giêsu tái lâm lần hai, sẽ cai trị người Mông trong 1.000 năm, ai theo "Bà
Cô Dợ" sẽ được chia tiền. Nhóm này sử dụng phần mềm Zoom chỉ đạo số đối tượng
cốt cán trong nước tích cực tuyên truyền, lôi kéo người Mông tại Việt Nam tham
gia, mục đích kích động tư tưởng ly khai, tự trị, tập hợp lực lượng lập
"Nhà nước Mông".
Đối tượng Vừ Thị Dợ tuyên truyền kích động tư tưởng ly khai, tự trị, lập "Nhà nước Mông". |
Đã có hàng trăm đối tượng
người Mông ở các nước tham gia tổ chức, trong đó tại Việt Nam có 19 điểm người
Mông ở các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia
Lai và Thái Nguyên tham gia. Đáng chú ý, tổ chức "Bà Cô Dợ" có một số
hoạt động ảnh hưởng tới an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội như: kích động
tư tưởng hẹp hòi dân tộc và chia rẽ dân tộc; chỉ đạo các đối tượng dùng Kinh
Thánh để phản bác lại chính quyền đến tuyên truyền; yêu cầu tất cả tín đồ
"không được tiêm vaccine phòng dịch bệnh COVID-19 vì sẽ làm giảm trí nhớ,
gây hại cho sức khỏe con người", đồng thời "hướng dẫn cách thức đối
phó với cơ quan y tế để không tiêm vaccine COVID-19", "mong muốn mọi
người phải vững tin theo "Bà Cô Dợ" thì sẽ có đất nước của người
Mông"...
Tính đến đầu năm 2022,
tỉnh Thái Nguyên có 4 người dân tộc Mông là vợ chồng, chị em trong một gia đình
tại xóm Chòi Hồng, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai bị ảnh hưởng theo tổ chức này.
Công an tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp cấp ủy, chính quyền huyện Võ Nhai tổ chức
tuyên truyền, vận động, đến nay các đối tượng đã ký cam kết từ bỏ.
Đối với tổ chức
"Ân điển cứu rỗi" (còn có tên gọi khác là "Ân điển đời đời"
hoặc "Sự cứu rỗi đời đời") do ông Park Ock Soo (SN 1944), lập ra năm
1971 tại Hàn Quốc. Tổ chức này thông qua các hoạt động từ thiện, mời tham gia
các khóa đào tạo giáo lý để lôi kéo người tham gia. "Ân điển cứu rỗi"
được coi là dạng hệ phái đạo Tin lành, nhưng giáo lý có nhiều nội dung sai lệch
Kinh thánh khi cho rằng, ông Park Ock Soo là hiện thân của Chúa Giêsu, tin theo
"Ân điển cứu rỗi" mặc nhiên "được Chúa cứu rỗi, không còn tội
khi vi phạm", cổ súy cho lối sống phóng khoáng, tự do, "sống trong tội
lỗi mà không cần phải ăn năn và cảm thấy day dứt hối hận". Do đó, các tổ
chức Tin lành chính thống tại Hàn Quốc và các nước coi "Ân điển cứu rỗi"
là "tà giáo".
Thời gian qua, tổ chức
này đã đẩy mạnh tuyên truyền, lôi kéo người tham gia dưới nhiều hình thức biến
tướng của tôn giáo, có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định về
ANTT tại địa phương. Ở Thái Nguyên có 10 hộ/49 khẩu là người dân tộc Mông tin
theo tổ chức "Ân điển cứu rỗi" trú tại xóm Đồng Dong, xã Phương Giao,
huyện Võ Nhai đang bị ảnh hưởng. Hiện, Công an tỉnh Thái Nguyên đang chỉ đạo
các đơn vị nghiệp vụ phối hợp chính quyền địa phương tổ chức đấu tranh xóa bỏ,
không để tổ chức này lan rộng gây ảnh hưởng đến ANTT...
Kiên
quyết xoá bỏ, không để các tổ chức tái hoạt động
Theo Thượng tá Đào Việt
Anh, trước tình hình các tổ chức bất hợp pháp, đạo lạ xâm nhập địa bàn, Công an
tỉnh Thái Nguyên chủ động tham mưu, đề xuất cấp uỷ, chính quyền các cấp chỉ đạo
giải quyết; tham mưu Tỉnh uỷ, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương
triển khai, huy động hệ thống chính trị tham gia vận động, tuyên truyền bà con
nhân dân từ bỏ, không tin, không nghe, không theo các luận điệu tuyên truyền của
các tổ chức bất hợp pháp, "tà đạo", củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở,
thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, tôn giáo, gắn với an sinh xã hội,
phát triển kinh tế - xã hội.
"Chú trọng gặp gỡ,
tranh thủ người có uy tín trong dân tộc thiểu số và chức sắc tôn giáo để nắm bắt
tình hình, tâm tư, nguyện vọng của bà con, giúp đỡ đồng bào từng tin theo, nay
đã từ bỏ "tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình", "tà đạo Bà Cô Dợ",
"Ân điển cứu rỗi"..., sinh hoạt lại các tín ngưỡng truyền thống hoặc
tổ chức tôn giáo hợp pháp, đã được Nhà nước công nhận", anh chia sẻ. Đây
cũng là giải pháp căn cơ, bền vững, tạo thuận lợi cho công tác bảo đảm ANTT
trên địa bàn.
Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh Thái Nguyên phối hợp tuyên truyền, vận động bà con huyện Võ Nhai không theo tổ chức "Bà Cô Dợ". |
Đại uý Hoàng Anh Tuấn,
Phó Đội trưởng Đội An ninh dân tộc, Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh Thái
Nguyên cho biết, CBCS trong đơn vị thường xuyên bám cơ sở để tuyên truyền, vận
động, nâng cao nhận thức chính trị cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng
bào Mông, giúp họ có "sức đề kháng" trước hoạt động tuyên truyền, lôi
kéo của phần tử xấu. Đặc biệt, Đội có 3 CBCS người Mông am hiểu phong tục, tập
quán đồng bào nên thuận tiện trong việc tiếp xúc, gặp gỡ tuyên truyền vận động
bà con.
"Qua những lần
"ba cùng", chúng tôi vận động đồng bào giữ gìn, phát huy bản sắc văn
hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tích cực tham gia các phong trào thi đua
yêu nước, các cuộc vận động tại địa phương, đồng thời đấu tranh xoá bỏ hoàn
toàn "tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình", "Bà Cô Dợ",
"Ân điển cứu rỗi", kiên quyết không để các tổ chức này tái hoạt động
trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số" - Trung tá Hoàng Anh Thái, cán bộ
người Mông của Đội An ninh dân tộc, Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh Thái Nguyên
nhấn mạnh.
Quỳnh Vinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét